Ngày 4/5, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho tuyên bố nước này sẽ rút khỏi chương trình cứu trợ của "bộ ba" chủ nợ quốc tế - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - từ ngày 17/5 mà không cần áp dụng "bất kỳ chương trình tín dụng dự phòng nào."
Quyết định trên được chính phủ trung hữu của Thủ tướng Coelho đưa ra sau khi kết thúc các cuộc đàm phán với đại diện giám sát của EU, ECB và IMF.
Đại diện của EU, ECB và IMF đã đánh giá Bồ Đào Nha có đủ điều kiện để được giải ngân khoản vay cuối cùng trị giá 2,6 tỷ euro trong gói cứu trợ tổng trị giá 78 tỷ euro có thời hạn ba năm mà nước này bắt đầu nhận được từ tháng 5/2011.
Thủ tướng Coelho khẳng định quyết định trên là "chính xác, đúng thời điểm" và "vì lợi ích của Bồ Đào Nha" sau khi Lisbon đã giành lại được sự tín nhiệm từ các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, Chính phủ nước này sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ như cắt giảm đầu tư công, giảm lương và trợ cấp xã hội nhằm đảm bảo nền tài chính công đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, ECB và IMF.
Quyết định rút khỏi chương trình cứu trợ của Bồ Đào Nhà đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde đánh giá cao việc triển khai các biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính của Bồ Đào Nha; đồng thời, khẳng định chính phủ nước này đủ khả năng để củng cố nền tài chính trong nước, tiếp tục tiến hành các chương trình cải cách nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và tạo thêm việc làm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Siim Kallas cũng ghi nhận "những nỗ lực và sự hy sinh to lớn" của Chính phủ Bồ Đào Nha, và tuyên bố ủng hộ quyết định của chính phủ nước này.
Các nhà phân tích nhận định việc Bồ Đào Nha quyết định rút khỏi chương trình cứu trợ ngay trước Hội nghị bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được tổ chức tại Brussels, Bỉ ngày 5/5 là nhằm "ghi điểm" với các nước đối tác và nâng cao uy tín của chính phủ nước này.
Trước đó, các số liệu kinh tế đã cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Bồ Đào Nha với việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức kỷ lục gần 17% khi phát hành năm 2012 xuống còn 3,59% hôm 23/4; nền kinh tế được Hãng Fitch xếp hạng tín nhiệm BB+ với dự đoán tăng trưởng ở mức 1,2% trong năm nay và 1,5% năm tới.
Bồ Đào Nha là nước thứ hai sau Ireland trong Eurozone quyết định rút khỏi chương trình cứu trợ của EU, ECB và IMF./