Trong thông báo ngày 27/9, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ dành khoản tín dụng trị giá 150 triệu euro (164 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành bị thiệt hại sau khi tập đoàn lữ hành Thomas Cook của Anh tuyên bố phá sản.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp có thể được cấp khoản tín dụng 1,5 triệu euro và có thể đăng ký vay bằng cách gọi tới tổng đài tư vấn.
Vụ phá sản của tập đoàn Thomas Cook không tác động nhiều tới Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay đã bị hủy và nhiều chủ khách sạn ở vùng Algarve - địa điểm đông du khách ở miền Nam Bồ Đào Nha, đang lo ngại về nguy cơ hủy phòng ồ ạt, gây thất thu, đặc biệt vào thời điểm mùa du lịch Hè sắp kết thúc.
Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ cấp 2,25 triệu euro để hỗ trợ vùng Algarve và đảo Madeira, hai địa điểm du lịch nổi tiếng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ phá sản của Thomas Cook, để giảm thiểu thiệt hại.
[Thomas Cook tại Pháp tuyên bố mất khả năng thanh toán]
Khoản trợ cấp này sẽ được các địa phương sử dụng để kích cầu các thị trường Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Ireland, Ba Lan và các nước Bắc Âu.
Dự kiến, đại diện các cơ quan lữ hành của Bồ Đào Nha sẽ có cuộc họp trong ngày 28/9 tới để đánh giá tình hình và quyết định những bước đi tiếp theo.
Thomas Cook, tập đoàn lữ hành lâu đời nhất thế giới với 178 năm tồn tại và phát triển - đã tuyên bố phá sản sau khi không đạt được thỏa thuận giải cứu vào phút chót nhằm tìm kiếm khoản đầu tư 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD).
Quyết định trên đồng nghĩa mọi hoạt động của Thomas Cook phải ngừng lại ngay lập tức, các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc.
Quyết định trên của Thomas Cook cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách du lịch trên toàn thế giới./.