Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha ngày 19/12 ra phán quyết phong tỏa điều khoản gây tranh cãi của chương trình "thắt lưng buộc bụng" trong dự thảo ngân sách 2014, liên quan tới việc cắt giảm 10% tiền lương của khu vực công.
Phát ngôn viên của Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha cho biết 13 thẩm phán đều nhất trí cho rằng biện pháp trên của Chính phủ Bồ Đào Nha là vi hiến vì "vi phạm nguyên tắc của lòng tin."
Phán quyết này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho cho biết các chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua kế hoạch cứu trợ tài chính theo thỏa thuận cứu trợ trị giá 78 tỷ euro dành cho Bồ Đào Nha trước khi chương trình này hết hạn vào tháng 6/2014.
Động thái này đã mở đường cho Bồ Đào Nha nhận được khoản giải ngân mới trị giá 2,7 tỷ euro vào năm tới, sau khi đã nhận được hơn 71 tỷ euro trong gói cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên, với phán quyết trên, Chính phủ liên minh trung-tả của Bồ Đào Nha phải nhanh chóng tìm nguồn thu thay thế cho kế hoạch cắt giảm tiền lương trong lĩnh vực công, ước tính tiết kiệm được 388 triệu euro, chiếm 1/10 trong tổng số 3,9 tỷ euro mà các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mang lại.
Những biện pháp này nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới. Bồ Đào Nha hy vọng sẽ là quốc gia thứ hai (sau Ireland) ra khỏi chương trình cứu trợ vào giữa năm 2014.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng các biện pháp kinh tế khắc khổ đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha tăng lên mức kỷ lục 17,7% vào quý 1/2013. Song, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha dự đoán nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm tới nhờ xuất khẩu tăng cao và tình hình kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc./.