Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý các mặt hàng chiến lược

Tại Chỉ thị số 10 ban hành ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý các mặt hàng chiến lược ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý xuất, nhập khẩu các mặt hàng chiến lược như, xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón... (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Đây được coi là việc làm cấp bách, kịp thời trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố với quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng qua, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón… đã xuất hiện một số dấu hiệu cần được theo dõi, đánh giá, tăng cường quản lý để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu (như xăng dầu, than đá, gạo); một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước (như sắt thép, phân bón).

Vì vậy, để góp phần ổn định giá cả, thị trường, qua đó hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao.

Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu than, phân bón ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.

[Nghị định 83 sửa đổi: Khắc phục nhiều bất cập về kinh doanh xăng dầu]

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng công ty, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, các doanh nghiệp nhập khẩu đường chia sẻ với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu.

Rà soát các cơ chế, chính sách

Chỉ thị cũng nhấn mạnh, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương rà soát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, cơ chế quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các mặt hàng cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước; khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 30/8/2021.

Cụ thể, phải rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu chung và kiến nghị công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, mặt hàng đường; làm đầu mối chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón.

Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý các mặt hàng chiến lược ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu yêu cầu cập nhật tình hình sản xuất thép trong nước. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để sớm được thông qua và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

"Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối: Căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống," lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý thêm

Chỉ thị cũng yêu cầu cập nhật tình hình sản xuất thép trong nước, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo nhu cầu trong nước; rà soát cơ chế xuất khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu mặt hàng sắt thép và quặng sắt.

Rà soát cơ chế quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng than (trong đó có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu than).

Rà soát các biện pháp về phòng vệ thương mại và kiến nghị, đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước, khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 30/8/2021.

"Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước," Chỉ thị nêu rõ./.

- Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7/2021:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục