Bộ Công Thương yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến mua Uber

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng vừa gửi công văn yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi báo cáo việc hãng này mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.
Bộ Công Thương yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến mua Uber ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 28/3, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng, cho biết Cục này vừa gửi công văn yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi báo cáo việc hãng này mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam.

Cùng đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber và hợp đồng mà hãng này mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, yêu cầu này hoàn toàn căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2, Điều 7 Luật Cạnh tranh; trong đó, Bộ Công Thương có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tạp trung kinh tế diễn ra trên thị trường.

Ông Trịnh Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng Luật Cạnh tranh đã nêu rõ những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế.

Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab-Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.

Vì vậy, nếu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Hơn nữa, để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam á mà có quy định này.

Theo Điều 22 của Luật Cạnh tranh, trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ về việc có thuộc trường hợp bị cấm hay không, lý do cấm phải nêu rõ.

[Grab thâu tóm Uber: Tài xế và hành khách lo độc quyền về giá cước]

Ngoài ra, đối với trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng. Mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.

Với một số trường hợp khác, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác.

Chẳng hạn, như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục