Bộ Công Thương: Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đạt mục tiêu kép

Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cần ưu tiên triển khai tiêm vaccine cho người lao động trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và các nhà máy xí nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu kép.
Bộ Công Thương: Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đạt mục tiêu kép ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất-kinh doanh, các cơ quan chức năng đã kiến nghị cần ưu tiên vaccine cho công nhân các Khu công nghiệp để có thể đạt được mục tiêu kép.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cho rằng các địa phương cần sớm vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho người lao động nhằm khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và cung ứng hàng hóa-tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Cần giải pháp mạnh

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19.

Kịch bản sơ bộ cho thấy nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong 2 tuần sẽ gây thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, làm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trên 4% và của quốc gia giảm 0,5%.

[COVID-19: 'Xắn tay' cùng Bắc Giang ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản]

Do vậy, tỉnh Bắc Ninh đang rất cần những giải pháp mạnh để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó tỉnh kiến nghị ưu tiên triển khai tiêm vaccine cho người lao động trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cho biết do tác động của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương bị phong tỏa, cách ly, giãn cách nên nhiều hoạt động bị tạm dừng, tiêu dùng của người dân giảm, hoạt động vận tải, việc di chuyển của công nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vùng có dịch.

Hơn nữa, việc một số doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn lớn phải tạm dừng sản xuất một phần hoặc toàn do có ca mắc COVID-19, dẫn dến nguy cơ khiến chuỗi sản xuất có thể bị đứt gẫy, thậm chí dịch bệnh kéo dài có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.

Rõ rệt nhất, dịch bệnh đã khiến khó khăn trong vận chuyển hàng hóa do các địa phương lân cận thực hiện các biện pháp kiểm soát người và phương tiện để phòng, chống dịch…

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, do tiếp giáp với địa bàn tỉnh Bắc Giang, người lao động trong các Khu công nghiệp của 2 tỉnh có sự đi lại, giao lưu, nguy cơ lây nhiễm cao, mật độ lao động bình quân ở Bắc Ninh đông, quy mô sản xuất lao động vào loại lớn nhất trên địa bàn của cả nước. Hiện đã có hơn 500 ca lây nhiễm ở Bắc Ninh và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao.

Do vậy, để đảm bảo an toàn phòng dịch, bà Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương cần ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó, cụ thể là giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phù hợp với diễn biến từng giai đoạn làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện và hướng dẫn doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất Bộ xây dựng phương án điều tiết nhằm đảm bảo nhu cầu hàng hoá thiết yếu giữa các tỉnh và thành phố để hỗ trợ các địa phương ứng phó với dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, công nhân làm việc khu công nghiệp là đối tương được ưu tiên trong tiêm phòng vaccine.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp Việt Nam đều có trách nhiệm chia sẻ đối với việc tham gia đóng góp nguồn lực vaccine.

Về vấn đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại trong khu công nghiệp, ông Hải cho rằng, việc này cần được ưu tiên, một mặt chống dịch nhưng phải đảm bảo mục tiêu kép. Doanh nghiệp nào đảm bảo chống dịch thì cần được ưu tiên hoạt động lại.

Liên quan đến nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Vụ thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương Bắc Ninh trong triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thiết yếu, bình ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo các diễn biến của dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay, nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại Bắc Ninh vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, giá cả ổn định.

“Về việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các địa phương bị chậm do dịch bệnh, Vụ Thị trường trong nước cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn khi xe vận chuyển của doanh nghiệp phân phối bị ách tắc tại các chốt kiểm dịch,” ông Đông cho hay.

Ưu tiên vaccine cho công nhân

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh và Bắc Giang trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bộ Công Thương: Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đạt mục tiêu kép ảnh 2Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh họp trực tuyến với Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước diễn biến của dịch bệnh, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cần ưu tiên triển khai tiêm vaccine cho người lao động trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và các nhà máy xí nghiệp, bởi đây là giải pháp mang tính bền vững, dài hạn để thực hiện “mục tiêu kép."

"Đề nghị tỉnh Bắc Ninh trong đợt tới khi có các đợt vaccine về thì cần lưu ý việc này. Chúng ta muốn đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép thì phải ưu tiên tiêm vaccine, đây là biện pháp hiệu quả nhất," ông Đặng Hoàng An nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh sự đứt gãy chuỗi cung ứng của cả khu vực và thế giới thì việc phòng dịch ở Bắc Ninh cần triển khai nhiều giải pháp.

Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Công Thương thống nhất việc chống dịch phải gắn với duy trì sản xuất. Ông nhấn mạnh việc đầu tiên là phải chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Ông cũng lưu ý địa phương chủ động đánh giá mức độ an toàn, tác động của dịch bệnh, kịp thời cập nhật lên Bản đồ an toàn dịch trong khu sản xuất để có phương án sản xuất phù hợp.

"Nơi nào chưa có ca bệnh thì nơi đó cần có phương án tổ chức sản xuất và quản lý người lao động đồng thời cần khuyến cáo người lao động các biện pháp phòng dịch để duy trì hoạt động sản xuất bình thường… Từng cơ sở sản xuất cũng phải xây dựng các kịch bản," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành công thương cũng yêu cầu các đơn vị phải cung ứng tốt các điều kiện tối thiểu cả về vật chất và tinh thần đối với người lao động.

Về cung ứng hàng hóa thiết yếu, ông Diên đề nghị đầu tiên vẫn phải là 4 tại chỗ; trong đó ngành công thương địa phương phải chủ động trong đảm bảo cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống.

"Nếu những ngày tới có sự phức tạp, diễn biến dịch bệnh có sự phức tạp mà ngành công thương địa phương không đáp ứng được thì phải đề xuất sớm về Bộ Công Thương và cụ thể từ sản phẩm, thời gian, nhu cầu cũng như số lượng... để công tác phục vụ đáp ứng được đảm bảo theo từng cấp độ, yêu cầu," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý thêm.

Đưa DN nhỏ và vừa vào diện ưu tiên

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trước tình hình nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, đứt gãy chuỗi cung ứng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị để các doanh nghiệp được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động để sớm khôi phục sản xuất. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động xuất nhập khẩu có số lượng lao động lớn. Còn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có kinh phí để đáp ứng nhu cầu về vaccine cho công nhân. 

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng những doanh nghiệp lớn sẵn sàng tiêm chủng vaccine cho người lao động miễn phí, song còn doanh nghiệp nhỏ và vừa do khả năng tài chính không đảm bảo nên rất cần Chính phủ cân nhắc giải pháp để tiêm vaccine được cho tất cả người lao động.

Hiện tại, nguồn cung vaccine còn hạn chế, Việt Nam mới chỉ đưa ra 9 đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine, tập trung vào các cán bộ ở tuyến đầu chống dịch, không có các đối tượng sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhu cầu được tiêm vaccine tại các DN là rất lớn, để vừa thực hiện công tác phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đề nghị được bỏ tiền túi để hỗ trợ vaccine cho lao động. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế, tất cả đều mong muốn khi Việt Nam nhận được số lượng vaccine lớn hơn, họ sẽ được đưa vào diện đối tượng ưu tiên tiếp theo được tiêm vaccine. Ngoài vấn đề kinh phí chi trả cho việc mua vaccine, doanh nghiệp cũng mong muốn cùng đồng hành với Chính phủ để tìm nguồn cung vaccine để đưa về Việt Nam một cách sớm nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục