Bộ Công Thương: Từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36%

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với phương án điều chỉnh giá điện ở mức trên 8% có thể làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%.
Bộ Công Thương: Từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36% ảnh 1Nhân viên ngành điện đang chốt chỉ số công tơ của khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá điện chính thức điều chỉnh kể từ ngày 20/3 và đây cũng là thông tin chính được đưa ra tại buổi họp do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (20/3), tại Hà Nội.

[Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu thụ điện]

Giá bán lẻ điện thấp nhất 1.678 đồng một kWh

Theo quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá điện vừa được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký, mức giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 8,36% từ hôm nay (20/3), lên 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Giá điện bán lẻ theo từng hộ tiêu thụ (sinh hoạt, sản xuất...) cũng được Bộ Công Thương ban hành trên cơ sở khung giá Quyết định 24 của Thủ tướng. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT.

Cụ thể, từ 0-50 kWh là 1.678 đồng/kWh; từ 51-100 kWh là 1.734 đồng/kWh; từ 101-200 kWh là 2.014 đồng/kWh; từ 201-300 kWh là 2.536 đồng/kWh; từ 301-400 kWh là 2.834 đồng/kWh và từ 401 kWh trở lên, giá là 2.927 đồng/kWh.

Trong khi đó, giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6 kV, 22 kV và 110 kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất điện áp dưới 6 kV giờ cao điểm là 3.076 đồng một kWh, thấp nhất là 970 đồng vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110 kV trở lên.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, với khách hàng sử dụng đến 50 kWh mỗi tháng phải trả thêm 7.000 đồng và 14.000 đồng đối với khách hàng sử dụng đến 100 kWh, còn 200 kWh là 31.600 đồng; đến 300 kWh là 53.100 đồng và trên 400 kWh phải trả thêm 77.200 đồng.

Dù vậy, ông Tuấn khẳng định, đối với các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn tiếp tục được quan tâm và thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.

Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Bộ Công Thương: Từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36% ảnh 2Trong đợt điều chỉnh giá điện lần này, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá điện đã được công khai, minh bạch

Nói thêm về chi phí phát điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, chỉ tính riêng phần bù cho việc tăng giá than đã là hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi bù cho giá khí khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ông cũng cho rằng, "chúng ta đã có giá điện bậc thang và quy định về hỗ trợ người thu nhập thấp, việc chia bậc thang cũng là chính sách để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện."

Một vấn đề được đặt ra là việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh điện, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, kể từ khi ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT đến nay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về tỷ giá USD, giá than, giá dầu trong nước và thế giới, giá khí, cơ cấu sản lượng điện mua…

Bên cạnh việc công khai hoạt động sản xuất kinh doanh điện, theo quy định tại quyết định 24, hàng năm, Bộ tiến hành kiểm tra chi phí sản xuất và giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Ông Tuấn cho hay, trên cơ sở báo cáo được kiểm toán, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN với sự tham gia của đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

"Sau kiểm tra, đoàn công tác đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương và tiến hành họp báo để công khai chi phí giá thành, sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017 và kết quả kiểm tra này cũng là yếu tố để Bộ đưa vào tính toán, kiểm tra và thẩm định phương án giá điện do EVN báo cáo," ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Là một trong những thành viên tham gia đoàn liên ngành, trao đổi với VietnamPlus, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, EVN đã thể hiện tính công khai minh bạch, cụ thể các yêu cầu liên quan đến EVN đều được đáp ứng và cung cấp đầy đủ.

Quan trọng hơn, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện dựa trên các căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm báo cáo chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện do đơn vị kiểm toán độc lập Deloit Việt Nam kiểm toán.

"Năm 2018 điện không tăng giá, trong khi đó qua kiểm tra nhiều chi phí đầu vào của ngành điện tăng, như giá nhiên liệu, than, dầu, khí, chi phí mua điện… nên mặc dù không ai muốn tăng giá điện nhưng thực tế thì việc điều chỉnh là không thể không, vấn đề là thời gian," ông Hùng nói./.

Bộ Công Thương: Từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36% ảnh 3Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục