Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, trong trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng tới tác động với các mặt hàng khác.
Tăng giá điện: Nếu vượt thẩm quyền, sẽ trình Chính phủ
Nói điều này tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá điện là mặt hàng quan trọng vì là đầu vào của nhiều ngành khác và có ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Bởi vậy, mọi sự thay đổi, nhất là tăng giá theo ông cần tính toán kỹ lưỡng.
[Phó Thủ tướng yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ]
Thứ trưởng cho rằng, nếu phía EVN đề xuất tăng giá điện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ xem xét kỹ lưỡng. Nếu vượt thẩm quyền của các bộ, thì phía cơ quan chức năng sẽ trình tới Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nói thêm, trong năm nay, với việc nền kinh tế còn khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, trước mắt chưa xem xét vấn đề tăng giá điện.
“Kể cả trường hợp có đề xuất của EVN thì Bộ Công Thương cũng phải xem xét kỹ lưỡng và đánh giá tác động của việc tăng giá tới từng mặt hàng, tới GDP, CPI. Tới bây giờ, bộ chưa xem xét việc tăng giá điện hay không,” lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Tới hiện tại vẫn phù hợp
Với mặt hàng xăng, dầu, chưa trả lời có xem xét tăng giá mặt hàng này thời gian tới không nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, mặt hàng này đang dần đi tới quy luật thị trường.
Ông khẳng định, trước đây, khi nói về xăng, dầu thì nhiều người nghĩ ngay tới Petrolimex nhưng bây giờ thực ra cả nước có tới 28 đầu mối được trực tiếp nhập khẩu xăng, dầu.
Điều này, theo thứ trưởng Hải, có nghĩa là đang nhiều nguồn cung cấp và có sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, việc điều hành giá đang đúng theo quy định, tức là xem xét giá 15 ngày một lần dựa trên công thức được tính giữa thuế, phí và giá trung bình của xăng, dầu trên sàn Singapore.
Với quỹ bình ổn giá xăng dầu, trả lời cho những ý kiến cho rằng có nên xóa bỏ quỹ này hiện tại không, ông Hải cho rằng, thời gian qua, sự điều hành quỹ đang mang lại hiệu quả tốt.
Đây là khoản quỹ theo ông không phải tiền của Nhà nước, cũng không phải của bất cứ doanh nghiệp nào mà phần trích với từng lít xăng, dầu để tránh việc tăng giá đột ngột, tránh cú sốc cho người tiêu dùng.
Ông dẫn chứng về thời gian trước Tết, nếu giá xăng, dầu tính đúng theo công thức và theo giá thị trường thế giới thì giá mặt hàng có thể tăng và gây biến động trước, trong và sau Tết.
“Ở Việt Nam có tâm lý một mặt hàng tăng thì ảnh hưởng theo là các mặt hàng khác,” ông nói.
Chính bản thông ông Hải bày tỏ “mong là không còn quỹ bình ổn giá xăng, dầu” nhưng ông cũng thừa nhận, về tác dụng thì tới thời điểm này là phù hợp./.