Bộ Công Thương: Tổng cục Quản lý thị trường không làm tăng biên chế

Liên quan đến bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường, theo mô hình mới, việc sắp xếp có thể dẫn đến việc Bộ Công Thương tăng biên chế nhưng ngược lại các địa phương lại giảm.
Bộ Công Thương: Tổng cục Quản lý thị trường không làm tăng biên chế ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 12/10, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức đi vào hoạt động. Việc nâng cấp từ Cục lên Tổng Cục, đồng thời các Chi cục Quản lý thị trường địa phương được đưa về trực thuộc Bộ Công Thương khiến không ít người lo ngại biên chế của Bộ Công Thương sẽ tăng lên, đi trái với mục tiêu cắt giảm đầu mối quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/10, tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, tổng biên chế của toàn bộ lực lượng sẽ không phình lên.

Không tăng biên chế

Ông Linh nhấn mạnh, để Tổng cục Quản lý thị trường được thực hiện theo mô hình mới thì phải sắp xếp, đưa các Chi cục Quản lý thị trường đang ở địa phương về trực thuộc Bộ Công Thương.

Lãnh đạo cơ quan này cũng cho hay, việc sắp xếp có thể dẫn đến việc Bộ Công Thương tăng biên chế nhưng ngược lại các địa phương lại giảm.

Ông Linh cho biết, trước khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã giảm nhiều đầu mối Quản lý thị trường và đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm 305 đội.

Riêng trong năm 2019, kiện toàn 38 cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng rà soát, sắp xếp 25 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định thêm, trước đây, lực lượng Quản lý thị trường có 63 đầu mối địa phương và 1 đầu mối ở Bộ Công Thương là 64.

Tuy nhiên con số này sẽ dần giảm còn 38 đầu mối liên tỉnh. Số đầu mối giảm đi nên không có gì mâu thuẫn giữa việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường với việc giảm đầu mối quản lý.

Ông Hải lưu ý thêm thêm khi cho rằng, với cơ cấu như vậy thì biên chế của lực lượng không những không tăng mà còn giảm.

Bộ Công Thương: Tổng cục Quản lý thị trường không làm tăng biên chế ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục xem xét kỷ luật cán bộ

Cũng tại phiên họp báo, ông Trần Hữu Linh đã thông tin về việc xử lý cán bộ trong vụ việc của công ty Con Cưng. Theo đó, ngày 16/10, Bộ Công Thương có báo cáo Chính phủ tổng thể về vụ việc của công ty trên.

Ông nói, ngày 13/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã có kết luận công khai, đồng thời kiến nghị xem xét xử lý vi phạm kỷ luật với một số cá nhân lãnh đạo Cục quản lý thị trường cả về mặt đảng và chính quyền.

"Khen thưởng kỷ luật đều có trình tự thủ tục, các bước và nghe ý kiến cá nhân, đơn vị liên quan và đánh giá xem xét, sau đó mới ban hành quyết định kỷ luật. Do đó, sau khi có ý kiến bộ mới ban hành quyết định kỷ luật và thông tin kịp thời về quyết định chính thức về hình thức kỷ luật cụ thể," ông Trần Hữu Linh nói.

Trước đó, Kết luận của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra vụ công ty Con Cưng, hai Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn.

Các hành vi trên ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một số thông tin cung cấp cho báo chí chưa thật sự chính xác đã gây thắc mắc cho người tiêu dùng về số lượng hành vi/tên hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ Công Thương yêu cầu cần có biện pháp khắc phục, sửa chữa ngay và rút kinh nghiệm nghiêm túc trong hoạt động công vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong khi đó, với ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, dù đã chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của hai Phó Cục trưởng để chấn chỉnh nhưng chưa thực sự kịp thời, cần xem xét, kiểm điểm rút kinh nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục