Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới

Bước đầu, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã đạt được sự đồng thuận về hướng tiếp cận “chưa lưu hành” thuốc lá điện tử và đồng thời xác nhận thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

“Phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” ngày 4/5 đã tái khẳng định việc xác định sản phẩm thuốc lá trong các loại thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, để đưa vào quản lý dưới luật hiện hành, là thuộc phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Thận trọng thí điểm lưu hành thuốc lá làm nóng, tiếp tục nghiên cứu thuốc lá điện tử

Trong phiên giải trình trên, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, đánh giá tác hại của các loại này. Việc quản lý phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước."

Làm rõ hơn hướng quản lý “tiệm cận quan điểm của Bộ Y tế” mà Bộ Công Thương đề cập trước đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết Bộ đã rất thận trọng, chỉ kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm lưu thông thuốc lá làm nóng như thuốc lá truyền thống trong 2 năm theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, và giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trên cơ sở các thống nhất giữa các bộ, ngành.

Theo bà Thắng, đề tài nghiên cứu ở cấp bộ của Bộ Công Thương năm 2020 đã tham khảo đánh giá khoa học từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với thuốc lá làm nóng.

Đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương kiến nghị nghiên cứu, đề xuất chính sách sau, và hiện chưa cho phép lưu hành.

Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là phương án tiệm cận nhất với Bộ Y tế để trình Chính phủ, phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định liên quan, chỉ đạo của Chính phủ và Chiến lược Quốc gia về giảm tác hại thuốc lá lẫn thông lệ quốc tế."

Thuốc lá làm nóng (trái) được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên tương tự như thuốc lá điếu.

Như vậy, bước đầu Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã đạt được sự đồng thuận về hướng tiếp cận “chưa lưu hành” thuốc lá điện tử, và đồng thời xác nhận thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá.

Căn cứ pháp lý nào cho đề xuất của Bộ Công Thương?

Về cơ sở pháp lý để Bộ Công Thương trình đề xuất trên, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện chức năng nhiệm vụ mà Chính phủ giao.”

Cụ thể, theo Khoản 19 Điều 1 Nghị định 106 ngày 14/9/2017 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67 năm 2013 của Chính phủ quy định, trong đó nêu rõ Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử để trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, công văn số 4861 ngày 17/6/2000 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chính sách quản lý thuốc lá làm nóng tại Việt Nam và một số văn bản chỉ đạo khác cũng có nội dung tương tự với Nghị định 67.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định: "Vấn đề phân cấp nguyên liệu thuốc lá, mua bán, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, hoặc kinh doanh các loại hàng hóa trên thị trường, là trách nhiệm của Bộ Công Thương."

Trong một tọa đàm năm 2023, ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cao cấp Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ cũng phân tích: “Nếu trên thế giới đã có 185 quốc gia có chính sách quản lý thuốc lá mới, Việt Nam không thể đứng ngoài bối cảnh quốc tế. Đồng thời, việc kiến nghị nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm này thuộc phạm vi của Bộ Công Thương."

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định phương án sửa đổi Nghị định 67 do Bộ Công Thương soạn thảo để trình Chính phủ về hướng kiểm soát thuốc lá mới.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định: “Theo định nghĩa tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (Phòng chống tác hại thuốc lá), thuốc lá làm nóng chính là sản phẩm thuốc lá. Luật Đầu tư có quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Đây là các cơ sở pháp lý có thể tận dụng, việc thực thi còn lại là trách nhiệm của Bộ Công Thương."

Kết luận phiên giải trình, các đại biểu đều đồng thuận kiến nghị Chính phủ trong năm 2024 chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, làm cơ sở thống nhất quan điểm giữa các Bộ trong quản lý thuốc lá mới để trình lên Chính phủ sớm nhất. Đồng thời, cần sớm có kế hoạch sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vào năm 2025, nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng./.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Hồ Thị Bích Ngọc cũng đề xuất ban hành nghị quyết làm rõ định nghĩa và bổ sung quy định về quản lý thuốc lá mới, nhằm đạt 4 mục tiêu:
- Quản lý và Phòng chống tác hại thuốc lá
- Không phân biệt đối xử giữa các loại sản phẩm thuốc lá (có chứa nguyên liệu thuốc lá)
- Không ảnh hưởng cam kết quốc tế (vì chỉ hạn chế quyền phân phối thuốc lá, xì gà của các nhà đầu tư nước ngoài mà không hạn chế sản xuất)
- Có thể áp dụng đồng bộ các quy định hiện hành của Luật Đầu tư, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, mà chưa cần phải sửa luật ngay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục