Bộ Công Thương: Tăng trưởng xuất khẩu vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu đến hết quý 3/2018 ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, đây là mức tăng vượt xa so với kế hoạch đề ra từ đầu năm (ở mức 7-8%).
Bộ Công Thương: Tăng trưởng xuất khẩu vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu đến hết quý 3/2018 tiếp tục vượt xa so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, giúp xuất siêu của Việt Nam duy trì ở mức cao.

[30 năm thu hút FDI: Ngành công nghiệp giải khát hấp dẫn nhà đầu tư]

Xuất khẩu tăng trên 15%

Tính đến hết quý 3/2018, xuất khẩu ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, dẫn dắt chính vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 127,84 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, xuất khẩu Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 36,13 tỷ USD, tăng 14,6%, trong khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 21,65 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái...

Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ cũng đem lại kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt mức tăng 17,1%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng 8,7% của 9 tháng năm 2017. Ngoài ra, xuất khẩu Gạo cũng đạt 4,93 triệu tấn, thu về 2,48 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng và 22,1% về trị giá và mặt hàng Rau quả ước đạt 3,02 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 1,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh, khi giảm 45,2% về lượng và giảm 24,6% về kim ngạch.

Có thể thấy, công tác phát triển thị trường là nhân tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, hàng hóa Việt Nam đã chiếm lĩnh khá tốt tại các thị trường truyền thống và từng bước mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, ASEAN ước tăng 16%, đạt 18,72 tỷ USD; Trung Quốc ước tăng 26,6%, đạt 28,15 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 12,2%, đạt 13,82 tỷ USD; Hàn Quốc ước tăng 26,5%; Australia ước tăng 25,5%...

"Đóng góp vào mức tăng của các thị trường là do các nhà xuất khẩu đã tận dụng các cam kết, ưu đãi từ các Hiệp định đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước," đại diện Bộ Công Thương cho hay.

- Biểu đồ xuất khẩu của ba nhóm hàng chủ lực sau 9 tháng:

Xuất siêu vượt hơn 5 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2018 ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%.

Bộ Công Thương cho biết, nhóm các mặt hàng nhiên liệu có kim ngạch nhập khẩu tăng trong 9 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu nhập khẩu tăng. Đơn cử, xăng dầu có kim ngạch ước đạt 6,24 tỷ USD, tăng 23,9% về trị giá trong khi lượng ước giảm 2,1%; khí hóa lỏng ước đạt 621 triệu USD, tăng 16,1% về trị giá trong khi giảm 2,1%% về lượng.

Ngoài ra, nhóm mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của dệt may, da giày ghi nhận mức tăng trưởng cao: bông các loại ước đạt 2,41 tỷ USD, tăng 30,3%; vải ước đạt 9,39 tỷ USD, tăng 13,5%; xơ, sợi ước đạt 1,78 tỷ USD, tăng 34,6%.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất siêu đã lên tới 5,39 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu 23,65 tỷ USD, còn các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 18 tỷ USD.

Tuy nhiên có thể thấy, Việt Nam vẫn nhập siêu tại các thị trường thuộc khối ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan trong khi xuất siêu vào nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ (25,13 tỷ USD); châu Âu (20,9 tỷ USD); Nhật Bản (141triệu USD).

Bộ Công Thương cho biết, với mức tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đã vượt xa so với yêu cầu của Quốc hội và Nghị quyết 01/CP đề ra từ đầu năm, ở mức 7-8%.

Phân tích thêm, đại diện cơ quan này cho rằng, cơ hội tăng trưởng từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu giảm sẽ tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra cơ hội thu hút trực tiếp nước ngoài cũng như giúp Việt Nam có cơ hội tăng sản xuất.

Với những kết quả trên, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục