Bộ Công Thương: Tám nhóm giải pháp để thương mại biên giới phát triển

Trên cơ sở đánh giá, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững kinh tế khu vực biên giới, sáng 16/8 Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 25 tỉnh biên giới tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới theo hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương thẳng thắn trao đổi, phân tích sâu hơn những khó khăn, tồn tại và trình bày chi tiết, làm rõ hơn các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương đã phản hồi, trao đổi lại đối với các kiến nghị của địa phương trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh biên giới phát triển.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, các địa phương cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp-thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp-thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.

Ngoài ra, địa phương cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới…

Bên cạnh đó, các địa phương ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ; tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

[Thương mại vùng biên mậu Việt-Trung: Linh hoạt trong điều hành]

Mặt khác, các địa phương khu vực biên giới kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới; nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.

Đặc biệt, các địa phương phải có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới; chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.

Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã nhận được hơn 200 kiến nghị rất cụ thể, chi tiết của 25 tỉnh, liên quan đến 8 nhóm vấn đề tập trung vào việc mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển điện năng; phát triển công nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Trung ương có chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể.

Liên quan đến cơ chế phối hợp, Bộ trưởng đề nghị cần áp dụng chế độ thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương và 25 tỉnh để kịp thời báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Cố gắng duy trì 1 năm ít nhất 1 lần để có dịp kiểm điểm việc thực hiện ở các địa phương và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Báo cáo tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế khu vực biên giới, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết mặc dù trong bối cảnh đầy khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các tỉnh biên giới đã chủ động khắc phục để vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế tại khu vực biên giới.

Thống kê cho thấy kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Năm 2020, đã có 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, có tới 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước, nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số.

Các điểm cầu tại 25 tỉnh biên giới tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước; nông lâm thủy sản tăng trưởng ở mức khá.

Đặc biệt, quan hệ qua biên giới được các tỉnh, chính quyền khu vực biên giới duy trì tốt thông qua các cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đáng lưu ý, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp.

Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn do kinh tế-xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung.

Hơn nữa, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.

Cùng với đó, kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn hạn chế, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng việc quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch.

Ngoài ra, cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Không những thế, việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới.

Một số địa phương chưa nắm chắc và thực hiện đúng các quy định liên quan của Chính phủ liên quan đến quản lý cửa khẩu nên công tác xin phép, triển khai mở mới, nâng cấp cửa khẩu còn mất nhiều thời gian.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân khách quan như thiếu vốn cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại, nhất là tư nhân trong việc đầu tư vào khu vực biên giới bởi rủi ro nhiều mà lợi thế cạnh tranh thấp.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng đó là vấn đề của thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới.

Mặt khác, việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục