Bộ Công Thương: Phụ tải tăng cao, việc cung cấp điện được đảm bảo

Để đảm bảo cấp điện năm 2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia duy trì các hồ ở mực nước cao xấp xỉ mực nước dâng bình thường và vận hành linh hoạt các nhà máy theo lưu lượng nước về.
Nhân viên EVN bảo dưỡng các thiết bị điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa có thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện, huy động nguồn và cung cấp điện cho nền kinh tế từ 16/10 đến 22/10.

Phụ tải khu vực miền Bắc tăng cao

Theo đó, trong một tuần gần đây, phụ tải khu vực miền Bắc cao hơn 1,7% so với tuần trước đó, trong khi phụ tải Quốc gia tương đương so với tuần trước.

Còn tính từ đầu tháng 10 đến ngày 22/10, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022 (miền Bắc tăng 14,8%, miền Nam là 7,4%, miền Trung 7,4%). Từ đầu năm 2023 đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 3,3% (miền Bắc tăng 6,2%, miền Nam 0,4%, miền Trung 8,3%). Mặc dù vậy, tình hình cung cấp điện trong tuần và các tháng qua vẫn được đảm bảo tốt.

Về phụ tải hệ thống điện Quốc gia, sản lượng trung bình ngày là 774,7 triệu kWh, thấp hơn so với tuần trước khoảng 0,6 triệu kWh; công suất cực đại trong tuần đạt 40.782,4 MW, cao hơn 687,8 MW so với tuần trước.

[Xây dựng các phương án đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm]

Đối với phụ tải hệ thống điện theo miền, đại diện Cục Điều tiết Điện lực thông tin phụ tải miền Bắc ghi nhận sản lượng trung bình ngày đạt 362,5 triệu kWh, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2022; phụ tải miền Trung đạt 67,7 triệu kWh tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022, còn phụ tải miền Nam đạt 344 triệu kWh tăng 109% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế sản lượng phụ tải điện từ đầu tháng 10 đến ngày 22/10 đạt 17.194 triệu kWh; trong đó miền Bắc đạt 8.180 triệu kWh, miền Trung 1.541 triệu kWh, miền Nam là 7.462 triệu kWh. Như vậy, sản lượng phụ tải điện từ đầu năm đến ngày 22/10 đạt 227.014 triệu kWh; trong đó miền Bắc đạt 106.950 triệu kWh, miền Trung 21.493 triệu kWh, miền Nam là 98.228 triệu kWh.

Các hồ thủy điện đang tích nước, chuẩn bị cho việc phát điện vào năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đánh giá cho thấy hệ thống truyền tải được duy trì tốt. Trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV trong tuần qua chủ yếu theo hướng từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan-Nhà máy Nghi Sơn 2-Hà Tĩnh và cung đoạn Trung-Nam.

Các nguồn phát đảm bảo khả năng sản xuất

Cũng theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, trong tuần qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ gây ra đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng ở khu vực miền Trung.

Mặc dù mực nước phần lớn các hồ thủy điện miền Trung đã tăng nhưng nhìn chung vẫn kém hơn cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lưu vực sông Ba, sông Hương, Kôn-Hà Thanh, Trà Khúc, Vu Gia-Thu Bồn chỉ đạt 14,4%-57,3%, các lưu vực khác đạt từ 85,6-112,5%.

So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống cao hơn 359,3 triệu kWh (miền Bắc cao hơn 384,5 triệu kWh, miền Trung thấp hơn 295,3 triệu kWh, miền Nam cao hơn 270,1 triệu kWh).

Tính đến thời điểm trên, các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc đã tích được lên xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tích nước phục vụ đảm bảo an ninh cung cấp điện năm 2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vẫn tiếp tục duy trì các hồ ở mực nước cao xấp xỉ mực nước dâng bình thường và vận hành linh hoạt các nhà máy theo lưu lượng nước về.

Theo báo cáo, các tổ máy nhiệt điện than tiếp tục được sắp xếp sửa chữa để nhằm nâng cao khả dụng, đáp ứng nhu cầu hệ thống điện trong giai đoạn tích nước cũng như mùa khô 2023-2024. Dù vậy, thực tế vận hành vẫn có một số tổ máy sự cố hoặc sửa chữa kéo dài hơn kế hoạch, khiến hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ điện áp thấp, đặc biệt trong các ngày phụ tải tăng cao đột biến.

Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thường xuyên đánh giá dự báo nhiệt độ, phụ tải thực tế để huy động thêm các nguồn điện còn dự phòng để đảm bảo điện áp cũng như huy động tối ưu các nhà máy thủy điện đang xả, có mực nước cao hoặc lưu lượng nước về tốt.

Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 75 triệu kWh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về điện năng lượng tái tạo, trong tuần qua, các nhà máy điện năng lượng tái tạo được huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống. Theo đó, sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 75 triệu kWh.

"Kế hoạch thời gian tới, Cục Điều tiết Điện lực tiếp tục theo dõi sát sao hệ thống và có chỉ đạo tới các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo việc cấp điện an toàn, liên tục cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân," đại diện cơ quan này cho hay./.

Đại diện EVN cho biết trong tháng 10, tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án Thủy điện Trị An mở rộng; sớm hoàn thành thẩm định để phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án Thủy điện tích năng Bác Ái.

Về các dự án lưới điện: Hoàn thiện đóng điện giai đoạn 1 (sân phân phối 220 kV) trạm biến áp 500 kV Lào Cai; đóng điện vận hành đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm (giai đoạn 2), Nhiệt điện Hải Dương- Phố Nối. Tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thi công các công trình lưới điện trọng điểm như: đường dây 500 kV mạch 3; các công trình giải tỏa nguồn thủy điện, nhiệt điện, giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục