Bộ Công Thương: Nhiều sản phẩm đã thành niềm tự hào của người Việt

Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khẳng định vai trò quan trọng đối với thương mại nội địa.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang trong tốp đầu thế giới. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Hàng Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ nhận diện thương hiệu lớn với tỷ lệ chọn mua lên đến 93%. Thậm chí tại nhiều siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng đang chiếm số lượng áp đảo.

Những kết quả này sẽ không thể đạt được nếu hàng “Made in Vietnam” không thật sự cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng.

Đây cũng là những điểm nhấn quan trọng đánh dấu thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau chặng đường 10 năm triển khai, thực hiện.

Hàng Việt tại nhiều siêu thị ngoại tới 90%

Là một trong số nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Lan (chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm từ thiên nhiên) cho biết, nếu như những năm trước đây, các sản phẩm của Hoa Lan chủ yếu được xuất khẩu thì đến nay thị phần ở thị trường trong nước ngày càng tăng cao.

“Nhờ sự hỗ trợ từ Cuộc vận động, công ty Hoa Lan đã có điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá... Sản phẩm của chúng tôi ngày càng được người tiêu dùng biết đến và chọn mua,” bà Đông nói.

[Các ‘ông lớn’ FDI tiếp tục rót vốn vào ngành bán lẻ của Việt Nam]

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, đơn cử như: Co.opmart (từ 90%-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...

Trong khi đó, theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)...

“Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng được thị phần, nhất là các kênh bán lẻ hiện đại, trong đó, Saigon Co.opmart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm; Vingroup đã mở được khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng Vinmart+...).

- Tỷ lệ hàng Việt tại một số siêu thị:

Nói về bức tranh ngành bán lẻ, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài vẫn coi ngành bán lẻ của Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn và đang có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư lẫn thị phần.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm này, tổng mức bán lẻ của các doanh nghiệp FDI dẫn đầu vẫn là BigC với 36 siêu thị tại Việt Nam, dự kiến tăng lên 40 siêu thị trong năm 2019.

“Hiện BigC đang tham gia mạnh mẽ vào các chương trình tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, đặc sản của các địa phương… nhờ vậy mà doanh số của BigC đã bằng một nửa của Saigon Co.op. Còn Aeon cũng đã có cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 xuất khẩu được tối thiểu 500 USD/năm sang hệ thống của doanh nghiệp này trên toàn thế giới, dự báo nâng lên mức 1 tỷ USD vào 2025,” bà Lê Việt Nga cho hay.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Có thể thấy, sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khẳng định vai trò quan trọng đối với thương mại nội địa.

Đáng chú ý, trong suốt hành trình của Cuộc vận động, Bộ Công Thương cũng khẳng định vai trò đi đầu trong triển khai với hàng loạt giải pháp, từ tuyên truyền vận động doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; kết nối cung-cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cũng như chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đã góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam.

“Từ chỗ vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,' đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam,” Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Về phía doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi-xách (Lefaso) cũng bày tỏ, Cuộc vận động đã có tác động lan tỏa, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng ở những vùng rất xa như biên giới, hải đảo, vùng quê…

“Hiệp hội cũng mong muốn, trong thời gian tiếp theo, từ phía doanh nghiệp cần phải đổi mới, từ công nghệ để tạo ra những sản phẩm có giá thành rẻ nhưng đáp ứng được các yêu cầu mới, tiêu dùng mới hiện nay,” lãnh đạo Lefaso nói.

Thực tế hiện nay và kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung…

Nhưng để người tiêu dùng chọn mua thì hàng hóa đó phải thực sự có chất lượng. Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm đủ sức chinh phục lòng tin của người tiêu dùng và cốt lõi của cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục