Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện vào thời điểm ngày 8/6. Theo đó, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với ngày 7/6 nhưng vẫn thấp.
Đáng chú ý, mực nước các hồ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của Quy trình vận hành.
[Bộ Công Thương nói gì khi nhiều địa phương bị cắt điện luân phiên]
Ngoài ra, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng đươc việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Theo thống kê, một số hồ ở mực nước chết, gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An, trong khi một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo, gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Lưu lượng nước về các hồ khu vực phía Bắc thấp
Cũng theo đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới tăng nhẹ song vẫn thấp; mực nước hồ dao động nhẹ ở mức thấp.
Cụ thể, tại khu vực Bắc bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua, trong đó: hồ Lai Châu: 102 m3/s; hồ Sơn La: 118 m3/s; hồ Hòa Bình: 311 m3/s; hồ Thác Bà: 76m3/s; hồ Tuyên Quang: 110 m3/s; hồ Bản Chát: 11 m3/s.
Trong khi đó, trừ hồ Hòa Bình, mực nước các hồ ở mực nước chết, tăng nhẹ so với ngày hôm qua (mực nước hồ/ mực nước chết), trong đó hồ Lai Châu là 265.5 m/270 m; hồ Sơn La: 175.05/175 m; hồ Hòa Bình: 103.58/80m (yêu cầu mực nước tối thiểu: 81.9 m); hồ Thác Bà: 45.66/46 m (yêu cầu tối thiểu: 46.5 m); hồ Tuyên Quang: 90.75/90m (yêu cầu tối thiểu: 90.7m) và hồ Bản Chát: 431.80m/431m.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, giảm nhẹ so với ngày hôm qua, cụ thể, hồ Trung Sơn: 81m3/s; hồ Bản Vẽ: 38 m3/s; hồ Hủa Na: 45m3/s; hồ Bình Điền: 7 m3/s; hồ Hương Điền: 16m3/s.
Tại khu vực Đông Nam bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, giảm nhẹ so với ngày hôm qua: hồ Thác Mơ: 104 m3/s; hồ Trị An: 330 m3/s. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, tăng nhẹ so với ngày hôm qua.
Còn tại khu vực Tây Nguyên, mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của Quy trình vận hành, tăng nhẹ so với ngày hôm qua (mực nước hồ/ mực nước chết), trong đó hồ Buôn Kuốp: 410.01/409 m; hồ Buôn Tua Srah: 469.82/465 m (yêu cầu tối thiểu: 468.4 m); hồ Đồng Nai 3: 571.75/570 m (yêu cầu tối thiểu: 571.8m); hồ Ialy: 501.92/490 m (yêu cầu tối thiểu: 492.4m)…
Cung ứng điện cho miền Bắc còn nhiều khó khăn
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), nắng nóng gay gắt đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Ông thông tin, việc cung ứng điện cho miền Nam, miền Trung trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, đã được đảm bảo được nguồn, do hiện nay khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa phụ tải đã giảm, nguồn nước về các hồ thủy điện được cải thiện, nhưng ở miền Bắc (với đặc trưng là nguồn thuỷ điện chiếm tỷ trọng lớn 43,6%) nên việc cung ứng điện còn nhiều khó khăn.
Tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp. Đối với nhiệt điện, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW chiếm 76,6% công suất lắp do nhiều nhà máy gặp sự cố vì huy động dài ngày ở công suất tối đa.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.
Cụ thể là duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể, đồng thời vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt; Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Cùng với đó, tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023./.