Bộ Công Thương lên tiếng trước thông tin trái chiều về dự án bauxite

Bộ Công Thương đã có ý kiến chính thức về một số thông tin trái chiều liên quan đến hiệu quả của các dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Bộ Công Thương lên tiếng trước thông tin trái chiều về dự án bauxite ảnh 1Dây chuyền sản xuất tinh quặng alumin tại nhà máy bauxite-nhôm Lâm Đồng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trên các phương tiện thông tin đại chúng vừa đăng tải một số thông tin trái chiều liên quan đến hiệu quả của các dự án bauxite ở Tây Nguyên tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức ngày 28/3 vừa qua.

Bộ Công Thương đã có ý kiến chính thức về vấn đề này

Thông tin “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là thiếu cơ sở

Theo Bộ Công Thương, về hiệu quả kinh tế và xã hội, qua quá trình thực tế triển khai các Dự án, một số nhà khoa học và dư luận xã hội có ý lo ngại về hiệu quả kinh tế của các dự án.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc rà soát, tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế các dự án. Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tháng 4/2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV cập nhật lại hiệu quả kinh tế-xã hội của 2 dự án trên cơ sở kết quả phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh và Chính phủ đã Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hiệu quả tài chính của Dự án alumin Tân Rai, Bộ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, kết quả tính cập nhật đến ngày 26/4/2014 cho thấy dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm.

Dự án cập nhật hiệu quả tháng 4/2014, các thông số đầu vào dự án cơ bản ổn định, không có thay đổi nhiều, giá bán alumin trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Đầu năm 2014 giá bán (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300÷310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350-360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của Dự án là 325 USD/tấn.

Mức giá trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán hiệu quả kinh tế, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.

Về hiệu quả tài chính, dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với dự án alumin Tân Rai, với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm. Dự án đóng góp cho Ngân sách nhà nước là 435.444 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 29% mức thu ngân sách năm 2013 của tỉnh Đắk Nông (1.500 tỷ đồng).

Ngoài ra, TKV rút kinh nghiệm từ dự án Nhà máy alumin Tân Rai nên đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí để tiến tới cổ phần hóa toàn bộ dự án.

Với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hiệu quả Dự án sẽ được tăng lên đáng kể, giảm thời gian lỗ kế hoạch và rút ngắn thời gian thu hồi vốn dự kiến.

Từ tháng 11/2013 đến tháng 4/2014, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện việc giám sát tổng thể “Hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh- quốc phòng của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”; trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 23/6/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Dự án Tân Rai sau 1 năm vận hành thương mại bước đầu đã có kết quả tích cực, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 93 tỷ đồng và tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.284 tỷ đồng.

Ước tính, sau khi dự án đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỷ đồng/năm, doanh thu của dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm; đào tạo nghề và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân và tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực dự án, đóng góp đáng kể cho nguồn thu của tỉnh Lâm Đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh-quốc phòng của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư,” Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản (công văn số 5171/VPCP-KTN ngày 10/7/2014), hiện nay Bộ Công Thương đang chỉ đạo TKV, tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác bàn giao, quyết toán công trình; làm chủ công nghệ, tìm giải pháp tổ chức sản xuất tốt, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch có sản phẩm vào cuối năm 2015.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện đề cương, phân công nhiệm vụ lập báo cáo tổng kết thí điểm sau khi 2 dự án hoàn thành đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định.

Mới đây, từ ngày 9-10/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra và chỉ đạo 2 dự án bauxite. Sau khi đi thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Thủ tướng đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị liên quan trong việc khắc phục và vượt qua khó khăn để triển khai dự án và đạt được những kết quả đáng vui mừng.

Dự án Tân Rai đã đảm bảo hiệu quả tổng hợp, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và yêu cầu về môi trường. Những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép.

TKV đang tiến hành hoàn nguyên và trồng cây công nghiệp ngay sau khi khai thác. Các hồ bùn đỏ được xây dựng quy mô, công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn. Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bauxite để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn.

Với những cơ sở nêu trên, chúng ta có thể yên tâm về hiệu quả kinh tế-xã hội của 2 Dự án thí điểm khai thác bauxite, sản xuất alumin Tân Rai và Nhân Cơ. Theo tính toán, thì dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn… nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là chuyện bình thường.

Vì vậy, theo Bộ Công Thương các đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.

Về kỹ thuật, công nghệ của các dự án

Bộ Công Thương cho rằng công nghệ tuyển quặng bauxite do Nhà thầu liên doanh Việt Nam VMC-VMEC-NARIME-VINAINCON (Công ty Cổ phần Chế tạo máy Vinacomin - Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh Việt - Viện nghiên cứu cơ khí - Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam) thực hiện theo hình thức gói thầu EPC.

Công nghệ tuyển áp dụng tuyển trọng lực kết hợp biện pháp cơ giới đánh tơi, đảo trộn quặng trong môi trường nước, rửa trôi tạp chất, sét để thu lấy tinh quặng. Đồng bộ thiết bị sử dụng gồm sàng song, sàng quay đánh tơi, máy đập hàm, phân cấp xoắn, sàng rung.

Công nghệ sản xuất alumin sử dụng phương pháp bayer, hòa tách ở nhiệt độ 145 độ C và áp suất khoảng 4-5at, có kết hợp công đoạn tiền khử silic (khử silic trước khi hòa tách) là công nghệ Bayer châu Mỹ.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đều đi đến kết luận rằng bauxite Tây Nguyên tồn tại dưới dạng gipxit-gơtit, chất lượng thuộc loại trung bình, thường phải qua tuyển rửa mới đảm bảo chất lượng để sử dụng cho công nghệ Bayer; bauxite thuộc loại gipxit dễ hòa tách nên hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ Bayer Châu Mỹ (nhiệt độ khoảng 140-150 độ C, với nồng độ kiềm khoảng 160-170g/lit Na2O).

Tại Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009 về việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumin, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ. Thành phần của Hội đồng bao gồm các cán bộ đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; các Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng và Đắk Nông; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mỏ, địa chất, luyện kim đến từ các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ - Địa chất, các Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Viện Luyện kim màu, Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime), các nguyên trưởng ban dự án nhôm của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Hội đồng đã tổ chức 5 phiên họp và ngày 31/5/2014, Hội đồng đã tổ chức phiên họp lần thứ 5 để tổng kết đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ của Dự án Tân Rai.

Kết quả đánh giá như sau, về công nghệ khai thác, vận chuyển và tuyển quặng bauxite, công nghệ khai thác, vận chuyển và tuyển rửa do nhà thầu trong nước thực hiện, đến nay đã hoàn thành và đưa mỏ vào sản xuất. Công tác thiết kế mỏ bài bản. Công nghệ khai thác hợp lý. Công nghệ tuyển rửa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Nhà thầu đã bàn giao cho Công ty nhôm Lâm Đồng quản lý và vận hành từ ngày 31/12/2012. Hiện nay, Công ty nhôm Lâm Đồng đã vận hành ổn định, làm chủ dây chuyền công nghệ, nghiên cứu và cải tiến một số khâu công nghệ để nâng cao công suất, hiệu quả nhà máy như khâu lắng bùn thải quặng đuôi sau tuyển, tuyển không sử dụng máy đập búa… Việc sai khác trong thực tế so với thiết kế là chấp nhận được, không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.

Công nghệ sản xuất alumin, dự án lựa chọn công nghệ Bayer châu Mỹ, hòa tách ở nhiệt độ 145 độ C, áp suất 5-7 atm cho quặng bauxite gipxit là hợp lý. Đây là công nghệ được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới cho các nhà máy alumin chế biến quặng bauxite gipxit.

Công nghệ áp dụng cho nhà máy alumin Tân Rai được đánh giá là tiên tiến. Qua đó thấy rằng các vấn đề về công nghệ đã được chuyên gia của Hội đồng xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Đối với Nhà máy tuyển quặng, do Việt Nam tự thiết kế chứ không phải của Trung Quốc, do tính đặc thù quặng bauxite Tây Nguyên thuộc loại khó tuyển nên ban đầu cũng gặp không ít trục trặc, công suất đạt thấp, tỷ lệ thu hồi quặng tinh không cao.

Đến nay TKV đã tiếp nhận, làm chủ công nghệ nên các chỉ tiêu công nghệ đạt tốt như Hội đồng khoa học công nghệ đã đánh giá. Rút kinh nghiệm Dự án Tân Rai, Nhà máy tuyển Dự án Nhân Cơ đã có những khâu cải tiến đáng kể, nâng cao tỷ lệ thu hồi quặng tinh, giảm tổn thất.

Thiếu cơ sở cho rằng hàng năm Nhà nước bù lỗ 3.000 tỷ đồng/năm

Bộ Công Thương cho biết Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân mua điện ở cấp điện áp 220kV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Trạm biến áp 220KV do Chủ đầu tư xây dựng, vì vậy, giá bán, giá thành điện bán cho Dự án Trần Hồng Quân không có chi phí trạm biến áp (gồm chi phí khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn…).

Việc mua điện ở cấp điện áp 220KV có giá thấp hơn ở các cấp điện áp thấp hơn là đương nhiên do ở cấp điện áp thấp các đơn vị bán điện phải đầu tư thêm các thiết bị để hạ áp áp và lưới phân phối. Việc so sánh giá điện bình quân (chủ yếu ở cấp điện áp thấp) với việc mua giá điện ở cấp 220kV là khập khiễng và phiến diện.

Đến năm 2018, công suất Dự án sẽ đạt công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Tại công văn số 3025/BCT-CNNg ngày 15/4/2014, dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229.757.000 USD. Vì vậy, việc cho rằng hàng năm nhà nước bù lỗ 3000 tỷ đồng là thiếu cơ sở.

Bộ Công Thương cho hay, theo tính toán nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu USD; bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án giai đoạn 2016-2025 là 229.757.000 USD thì Dự án Trần Hồng Quân còn dư nộp ngân sách là 190.243.000 USD.

Tỉnh Đắk Nông là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn vì vậy Dự án Trần Hồng Quân thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, được nhà nước hỗ trợ theo Luật đầu tư 2005 và Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014. Việc nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng là phù hợp với các quy định hiện hành, kể cả hỗ trợ 1.200 tỷ, dự án Trần Hồng Quân trong 10 năm sẽ nộp ngân sách là trên 136 nghìn USD.

Ngoài ra, dự án đáp ứng nhu cầu nhôm, thay thế nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ. Năm 2015, dự kiến khoảng 530.000 tấn, trị giá xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Trong quý I năm 2015, nhập siêu đã đạt đến 1,8 tỷ USD, gây áp lực nặng nề lên tỷ giá ngoại tệ.

Cụ thể là (tính cho năm 2018 - năm đạt công suất thiết kế) mỗi năm đáp ứng 300 ngàn tấn nhôm thỏi, tương ứng giảm nhập khẩu 300 ngàn tấn với số ngoại tệ nhập khẩu được giảm là 678,438 triệu USD.

Sau khi giảm trừ các chi phí nhập khẩu của nhà máy gồm các thiết bị, công nghệ, vật liệu đầu vào, lương lao động nước ngoài, giảm thu ngoại tệ do không xuất khẩu alumin tổng cộng là 182,118 triệu USD/năm thì số ngoại tệ nhập khẩu nhôm thực giảm là 302,283 triệu USD/năm.

Đồng thời, dự án giúp Nhà máy alumin Nhân Cơ tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin ổn định và lâu dài; giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển và góp phần cải thiện hiệu quả của Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ của Vinacomin.

Nhờ hình thành nền công nghiệp bauxite-nhôm đồng bộ sẽ góp phần và tạo điều kiện xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn và Tây Nguyên, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên.

Dự án này đóng góp cho ngân sách nhà nước bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân bình quân 14 triệu USD/năm. Đóng góp cho GDP của địa phương (Đắk Nông) bình quân 1 năm khoảng 14.443 tỷ đồng tương đương 687,763 triệu USD/năm.

Do sản xuất được nhôm trong nước nên sẽ góp phần tăng cường tính ổn định và chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu nhôm thỏi của nền kinh tế, góp phần thiết thực hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện phân nhôm.

Đến nay đã có một số đối tác liên hệ nghiêm túc với Trần Hồng Quân để hợp tác đầu tư sản xuất phần hạ nguồn của nhôm thỏi (cán kéo nhôm định hình, sản xuất vành bánh xe và các phụ kiện từ nhôm ....); hiệu quả kinh tế lan tỏa của khâu này rất lớn.

Về hiệu quả xã hội, dự án cũng tạo việc làm trực tiếp trong Nhà máy điện phân nhôm khoảng 935 người (bình quân trong 15 năm) và một số loại lao động khác sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho lao động trong nhà máy như dịch vụ vệ sinh công nghiệp, ăn uống, nhà ở, giặt là, giữ trẻ, giải trí và đặc biệt là vì mức thu nhập bình quân của lao động Nhà máy luyện nhôm khá cao so với mặt bằng chung.

Đóng góp này của Dự án Trần Hồng Quân sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng dịch vụ tại địa bàn tỉnh Đắk Nông. Dự án cũng góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn và Tây Nguyên ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục