Bộ Công Thương: Không để thiếu hàng Tết và sốt giá

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, theo báo cáo của các địa phương thì công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã sẵn sàng, đảm bảo đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đột ngột tăng 1,25% so với tháng trước khiến nhiều ý kiến lo ngại xu hướng lạm phát tăng cao trở lại. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng mức tăng CPI của tháng 1 là không thể chủ quan, bởi CPI tăng mạnh trong bối cảnh cầu yếu, sức mua trên thị trường chưa tăng cao, tiếp tục cho thấy những nguyên nhân chủ quan trong điều hành và ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, theo báo cáo của các địa phương thì công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã sẵn sàng, đảm bảo đủ nhu cầu của người dân cũng như không để xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá.

Hàng phục vụ Tết dồi dào

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 20%-25% so với tháng bình thường trong năm; trong đó tập trung vào một số nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát...

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện sức mua trong những ngày giáp Tết cũng biến động rõ rệt. Người tiêu dùng bắt đầu đẩy mạnh mua sắm hàng dự trữ Tết, tập trung nhiều nhất vào các mặt hàng như: bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng công nghệ phẩm (dầu ăn, mỳ ăn liền, đồ hộp, đồ uống…), thời trang, điện tử…

Về giá cả, ông Đồng cũng cho hay đối với nhóm hàng lương thực, tình hình cung cầu, giá cả nhóm hàng này được nhận định tương đối ổn định, nhưng với những nhóm hàng thực phẩm sẽ có khả năng tăng giá.

Hiện nay, trên địa bàn thủ đô, giá cả một số nhóm hàng thực phẩm đã bắt đầu tăng, trung bình giá thịt lợn tăng từ 5%-10%, thịt gà tăng 10%-20% so với đầu tháng Một. Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thì nguồn cung rất dồi dào.

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã ứng 376 tỷ đồng cho 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn dự trữ hàng phục vụ Tết. Theo đó, các doanh nghiệp đã dự trữ khoảng 6.000 tấn gạo, 900 tấn thịt heo, 350 tấn thịt gà vịt, 6 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn rau củ, 550 tấn thực phẩm chế biến, 450 tấn hải sản đông lạnh, 200 tấn đường...

Ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội dịp trước, trong và sau tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa trên, Sở Công Thương khẳng định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thủ đô trong dịp Tết.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết, mặc dù sức mua sắm của người dân đã có mức tăng khá nhờ thành phố triển khai "Tháng khuyến mại", nhưng các doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết khá lớn cùng với cam kết giữ giá cả không tăng đột biến so với ngày thường.

Trong đó, nguồn cung ứng hàng hóa gồm ba nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu thị trường), các chợ đầu mối (chiếm 40% đến 50%) và các doanh nghiệp khác (chiếm từ 10% đến 20%).

Hiện Sở Công Thương thành phố cũng đã lên kế hoạch kiểm tra nguồn hàng dự trữ, ngăn chặn việc găm hàng và đầu cơ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã xây dựng và có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết tăng gần gấp hai lần so với kế hoạch được thành phố giao. Nhiều mặt hàng có số lượng lớn, có khả năng chi phối hơn 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến...," ông Nguyễn Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Không chủ quan với lạm phát

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 đột ngột tăng 1,25% so với tháng trước khiến nhiều ý kiến lo ngại xu hướng lạm phát tăng cao trở lại.

Về nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng cao chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại 10 địa phương, đóng góp vào khoảng 10 tỷ đồng, làm tăng CPI cả nước khoảng 0,37%.

Vì thế, nếu không có việc tăng phí dịch vụ y tế ngoài dự đoán thì CPI chỉ tăng khoảng 0,9% và là mức tăng phù hợp với quy luật của nhiều năm trước. Bên cạnh đó nổi lên trong tháng Một là giá thực phẩm tăng cao vì là tháng giáp Tết, nhu cầu người dân chuẩn bị mua sắm cuối năm tăng cao.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng 1/2013 của Bộ Công Thương sáng 4/2, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, mức tăng CPI của tháng 1/2013 là không thể chủ quan, bởi CPI tăng mạnh trong bối cảnh cầu yếu, sức mua trên thị trường chưa tăng cao, tiếp tục cho thấy những nguyên nhân chủ quan trong điều hành và ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Tính đến nay đã có 37 địa phương triển khai chương trình bình ổn giá với tổng số vốn cho vay dự trữ hàng hóa là 1.552 tỷ đồng. Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, hàng hóa Tết được các địa phương, các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng bình thường từ 15%-20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5%-10%.

Ước tính giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho một tháng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán khoảng 170.000 - 180.000 tỷ đồng.

“Mục tiêu quan trọng nhất trong chuẩn bị hàng phục vụ tết phải đảm bảo không để thiếu hàng đồng thời phải xử lý ngay những trường hợp đầu cơ, găm hàng nâng giá,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.

Trong tháng 1/201, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 11.395 vụ, xử lý 6.017 vụ vi phạm với tổng số thu là 23,87 tỷ đồng; trong đó có 945 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm. Riêng trong lĩnh vực giá đã xử lý 1,231 vụ vi phạm.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục