Bộ Công Thương: Hệ thống điện của Việt Nam xếp thứ 2 ở Đông Nam Á

Đại diện IEA cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên Chính phủ cần xây dựng cơ chế phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại tại Hội thảo 'Công nghệ năng lượng sạch'. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính riêng ngành điện, theo điều tra của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số 10 nước Đông Nam Á và đứng thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện.

Đây là thông tin do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đưa ra tại “Hội thảo Đối tác công tư Việt Nam-Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch,” do Bộ Công Thương (MOIT) phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Nhật Bản tổ chức ngày 27/2, tại Hà Nội.

[19.500 tỷ đồng đầu tư các dự án lưới điện truyền tải trong năm 2019]

Áp lực về tiêu thụ năng lượng lên môi trường

Theo ông Vượng, đến nay hệ thống điện của Việt Nam đạt gần 50.000 MW và công suất này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam với mức tăng trưởng trên 10%/năm.

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc nhu cầu năng lượng và tiêu thụ điện tăng cao trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững, cụ thể là tác động tiêu cực tới môi trường, cũng như làm tài nguyên cạn kiệt và ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.

Cùng nội dung này, bà Aya Yoshida, Trưởng phòng châu Á Thái Bình Dương và bộ phận Đối tác, quan hệ năng lượng toàn cầu, cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã cung cấp thêm thông tin về tính thiếu bền vững trong việc sử dụng năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đơn cử là lượng CO2 phát thải liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 2 năm liên tiếp từ 2017-2018 sau khi đứng yên vào năm 2016.

Quan trọng hơn, theo đại diện IEA, khu vực Đông Nam Á sắp trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu, khí đốt và than đá và điều này sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương trước biến động giá cả và làm tăng mối lo ngại về an ninh năng lượng.

“Mặc dù có sự phát triển của công nghệ sạch nhất là các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng truyền thống nhưng lượng phát thải khí CO2 vẫn tăng,” bà Aya Yoshida lo ngại.

Trong khi đó, tổng đầu tư ngành điện tích lũy ở Đông Nam Á đến năm 2040 dự báo sẽ rất lớn.

Con số mà đại diện IEA đưa ra có thể lên tới 1,25 nghìn tỷ USD, tương đương với trung bình khoảng 50 tỷ USD mỗi năm (gấp đôi mức hiện tại), trong đó khâu truyền tải và phân phối chiếm 54% và Phát điện chiếm 46%.

Đại diện phía Nhật Bản tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khuyến khích nhiều hơn cho năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương cho biết, tính đến cuối năm 2018, tổng công suất các nhà máy thủy điện trong hệ thống đã đạt trên 22.000 MW, trong đó công suất các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW khoảng 4.000 MW.

Ngoài ra, công suất nhà máy điện gió, điện Mặt Trời sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2019 dự kiến đạt 1.000 MW.

“Con số này vượt kế hoạch đặt ra trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh, theo đó đến năm 2020 điện Mặt Trời là 850 MW và điện gió là 800 MW,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Mặc dù vậy, theo bà Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện chỉ có 11/63 tỉnh, thành trên cả nước đủ tiềm lực phát triển điện gió, trong đó tập trung chủ yếu ở ven biển miền Trung.

Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư cho rằng, cơ chế thu hút đầu tư điện gió vẫn chưa hấp dẫn, do vậy việc đầu tư mở rộng cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước.

“Theo đánh giá của chuyên gia, về năng lượng tái tạo Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai và để hấp dẫn được nhà đầu tư thì bên cạnh cơ chế giá FIT thì Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế năng lượng tái tạo, đấu thầu, đấu giá nhằm thu hút mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này,” bà Giang cho hay.

Liên quan đến các quy định hiện hành, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ đã xây dựng và ban hành bộ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời công bố các tổng sơ đồ phát triển ngành điện cho mỗi giai đoạn 10 năm và có xét đến 10 năm tiếp theo.

Theo đó, các tổng sơ đồ này được xem xét điều chỉnh mỗi 5 năm để đảm bảo hệ thống điện được phát triển hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như phù hợp với xu thế của thế giới cũng như ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối, điện từ rác thải…

“Với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ, sự tiến bộ của công nghệ điện mặt trời và điện gió, mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) sẽ được hoàn thành vượt mức,” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói thêm.

Còn theo bà Aya Yoshida, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên Chính phủ cần xây dựng cơ chế phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Đại diện IEA khuyến nghị, các quốc gia trong khối ASEAN cần nghiên cứu để có thể tích hợp hệ thống điện trong khu vực, bởi đây có thể là một giải pháp hữu hiệu  góp phần tăng cường an ninh điện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo.

“Đầu tư năng lượng là một vấn đề quan trọng ở Đông Nam Á. Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm ô nhiễm không khí, khí thải CO2 và nhập khẩu năng lượng, nhưng cần các chính sách thực hành tốt nhất để giảm chi phí và đẩy nhanh việc triển khai,”  bà Aya Yoshida đề xuất tại hội thảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục