Bộ Công Thương: Hai kịch bản phân giao xăng dầu tối thiểu năm 2023

Phương án phân giao xăng dầu năm 2023 đưa ra kịch bản 1 tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn và kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn.
Bộ Công Thương: Hai kịch bản phân giao xăng dầu tối thiểu năm 2023 ảnh 1Bộ Công Thương họp bàn về phương án phân giao xăng dầu năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại cuộc họp bàn về kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị phải có phương án 2 để chủ động nguồn xăng dầu trong mọi tình huống.

Không xảy ra cú sốc xăng dầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn và Nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời, sát hơn với thị trường.

[Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị báo cáo chi phí nhập xăng dầu]

Ông cũng nhấn mạnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể với các bộ, ngành chức năng, trong đó đơn vị thực hiện cần rà soát đánh giá nguyên nhân chủ quan để đảm bảo từ nay không xảy ra cú sốc xăng dầu như thời gian qua.

Về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Điều này cho thấy con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, ông cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống, trong đó phương án này phải cao hơn phương án 1, tức là tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đề nghị nên có sự phân giao theo quý, tháng để kiểm soát việc tổ chức, tiến độ thực hiện. Theo đó, các thương nhân đầu mối phải bình đẳng, đã là thương nhân đầu mối, trách nhiệm như nhau.

Còn ông Nguyễn Đăng Trình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) cho rằng nên xem xét tổng nguồn năm 2023 tăng trưởng phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và khả năng cung ứng thị trường.

Góp ý thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý trước đây việc phân giao được thực hiện cho cả năm và Bộ vẫn thường xuyên rà soát theo tháng, quý, 6 tháng, thậm chí rà soát từng thời điểm nếu xảy ra biến cố bất thường.

“Năm 2022 vẫn rà soát như vậy. Từng thời điểm có thể rà soát lại, song nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là nguồn cung được đảm bảo,” ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối nên phối hợp và hợp tác với nhau để đảm bảo nguồn cung đồng thời nhấn mạnh năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện phân giao theo quý, tháng và bộ không cứng nhắc, nếu đảm bảo đủ nguồn cung thì không phải nhập khẩu.

Hơn nữa, kế hoạch phân giao sản lượng cả năm cho các doanh nghiệp được phân bổ chi tiết tới từng tháng, quý là cơ sở cho việc bảo đảm nguồn cung và công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định về xăng dầu

Trên cơ sở đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 có tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn và kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn.

Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

“Trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường,” ông Diên đề nghị.

Bộ Công Thương: Hai kịch bản phân giao xăng dầu tối thiểu năm 2023 ảnh 2Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Diên cho rằng việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra, Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính. Ngày 20 hàng tháng, Bộ Tài chính sẽ rà soát các chi phí này, đây là quyền lợi và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối.

Cũng theo Bộ Công Thương, tại Công điện của Thủ tướng mới đây về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“Ngay trong chiều ngày 21/11, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; trong đó nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục