Bộ Công Thương dự kiến trình phương án kiểm soát thuốc lá mới vào cuối năm

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, phương án quản lý thuốc lá mới phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội về quản lý thuốc lá mới, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay Bộ đang xây dựng phương án tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, phương án quản lý thuốc lá mới phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, phải đảm bảo chặt chẽ với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người dùng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể, phù hợp thông lệ quốc tế và những hiệp định mà Việt Nam ký kết.

Ý kiến đa chiều đối với vấn đề quản lý thuốc lá mới

Từ năm 2017, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì phối hợp cùng các cơ quan bộ ngành liên quan đề xuất hướng quản lý thuốc lá mới. Đến nay, cơ quan này đã 2 lần báo cáo Thủ tướng về việc thí điểm chính sách quản lý thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã 2 lần làm việc với Bộ Y tế về nội dung này, lần gần nhất vào ngày 23/5/2023 và vẫn đang trong quá trình thống nhất.

Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa thuốc lá mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67 của Chính phủ để có hình thức quản lý phù hợp.

Bộ trưởng Diên cho hay về quan điểm, Bộ Y tế không ủng hộ nhưng Bộ Tư pháp lại đề nghị cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá, thay thế Nghị định 67.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với mặt hàng thuốc lá mới

Mặc dù chỉ đạo Chính phủ nêu rõ cần quản lý hài hòa lợi ích các chủ thể liên quan nhưng quan điểm giữa các bộ đối với mặt hàng này vẫn chưa được thống nhất.

Tại Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” ngày 19/10, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khuyến nghị nên đi từ thống nhất trong nhận thức rồi mới đến hành động của các bộ, ngành.

Ông Kiên phân tích: “Hiện chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhưng chưa quan tâm đầy đủ vấn đề thị trường." Do đó, quyết định 568/QD-TTg cho thấy nên có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, không cấm đoán cực đoan.

Tương tự, Giáo sư Riccardo Polosa, người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại, Giáo sư Nội khoa tại Đại học Catania (Italy), cho rằng biện pháp cấm sẽ làm tăng tình trạng buôn lậu, gánh nặng chi phí quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 184/195 quốc gia thành viên kiểm soát hoặc ngầm kiểm soát mặt hàng này.

Ở khía cạnh khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) và một số cơ quan y tế châu Âu, Nhật Bản đã chấp nhận những loại thuốc lá mới có kiểm nghiệm khoa học, được phép cung cấp cho người chưa thể cai nghiện, dưới sự quản lý của nhà nước.

"Cần có một sản phẩm giảm tác hại, được chính thức kiểm soát về mặt chất lượng và công nghệ để người chưa bỏ được thuốc lá có thể sử dụng thay thế", Phó Giáo sư Trần Văn Ngọc nêu ý kiến.

decree-67-a2-h2-6250.png

Thông tin từ Tiến sỹ, Bác sỹ Hiroya Kumamaru, Chuyên gia Tim mạch Nhật Bản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, cho biết từ khi thuốc lá làm nóng được cung cấp hợp pháp năm 2014 tại Nhật Bản, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu giảm nhanh gấp 5 lần mà không có bất kỳ can thiệp nào về chính sách tăng thuế.

Từ một trong những nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao nhất toàn cầu, Nhật Bản đã đạt 44% tỷ lệ cai thuốc lá điếu, vượt mục tiêu 30% của WHO.

Trên quan điểm bảo vệ người dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng Ban Dân chủ - Pháp Luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng các Bộ, ngành nên sớm thống nhất quan điểm và đánh giá loại thuốc lá mới nào đạt chất lượng, giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống, để sớm đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh và xuất nhập khẩu thuốc lá làm nóng phù hợp với thực tế tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục