Hiện ngành công thương đang đẩy mạnh các giải pháp thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 có thể đạt 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013, nhập khẩu ước đạt 145,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm ngoái và như vậy cả năm có thể xuất siêu khoảng 500 triệu USD.
Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp Giao ban trực tuyến tháng Sáu do Bộ Công Thương tổ chức sáng 7/7.
13 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD
Theo ông Vỵ, trong tháng Sáu, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,1 tỉ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 70,88 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước ước đạt 23,053 tỷ USD, tăng 11,5%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 43,75 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2013.
Cơ cấu xuất khẩu cũng có sự thay đổi tích cực, ông Vỵ cho biết, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.
Cụ thể, qua 6 tháng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,922 tỷ USD, chiếm 71,84% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,8% so với năm 2013. Ngoài ra, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản qua 6 tháng cũng đem về 10,78 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 5,09 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại buổi giao ban, người đứng đầu Vụ Kế hoạch nhấn mạnh, đến thời điểm này đã có 13 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 1 tỷ USD (tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái), gồm điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo; túi xách, va li, mũ, ô dù; xơ, sợi dệt các loại.
"Tỷ trọng xuất khẩu của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản," ông Vỵ nói.
Về thị trường, qua 6 tháng hầu hết các thị trường thị trường xuất khẩu đều có mức tăng trưởng trong đó, Châu Mỹ tăng 23,6%; Châu Á tăng 11%, châu Âu tăng 10,8%; Châu Phi tăng 10,4% và Châu Đại Dương tăng 30,8% so với năm 2013.
Ở chiều ngược lại, theo ông Vỵ, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt khoảng 69,561 tỷ USD, tăng khoảng 11,0% so với năm 2013 (tương đương tăng 6,885 tỷ USD). Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 30,261 tỷ USD, tăng 10,3%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập 39,299 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2013.
Nhóm hàng cần nhập khẩu trong 6 tháng ước đạt 61,53 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất như máy móc, thiết bị, hàng gia công phục vụ cho xuất khẩu... Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 2,73 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong tháng Sáu, cả nước nhập siêu khoảng 200 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, lũy kễ nửa đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu 1,32 tỷ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu.
Vẫn lo bài toán về giá nông, thủy sản
Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng, trong khi xuất siêu cả nước đạt 1,32 tỷ USD đã góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, khu vực kinh tế trong nước đã tăng trưởng ở mức 11,5%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2%.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong nửa đầu năm, câu chuyện được mùa mất giá vẫn là bài toán thường trực đòi hỏi phải có chiến lược và giải pháp lâu dài, đặc biệt là không để quá phụ thuộc vào một thị trường.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ tháng Năm và Sáu, xuất khẩu những mặt hàng nông sản như: rau quả, gạo, cao su... của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm nhẹ từ 2,5-7,8%. Tính về giá trị thì 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng nông sản do giá giảm đã làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 219 triệu USD.
Trong khi đó, bài toán về nhập siêu từ Trung Quốc cũng đặt ra một thách thức đối với nền sản xuất trong nước khi mới qua nửa đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu từ thị trường này khoảng 13,057 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đều là máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất trong nước và gia công hàng xuất khẩu...
Do vậy, để để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu là 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013 theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, giải pháp mà Bộ này đưa ra là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu.
Đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản, mới đây Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp bàn để rà soát lại về thị trường qua đó tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể là xác định phát triển nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp phải gắn được với công nghiệp chế biến, gắn với các chuỗi giá trị nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao
Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, từ đó đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu.
"Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì khả năng cả năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 10% mà Quốc hội đã giao cho ngành công thương," bà Phan Thị Diệu Hà cho biết./.