Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Phạm Châu Giang nhấn mạnh sản phẩm mật ong Việt Nam khác với người nuôi ong Hoa Kỳ đang sản xuất, do vậy không gây thiệt hại cho ngành nuôi ong của Hoa Kỳ; hy vọng sự đối thoại tích cực này sẽ giúp Hoa Kỳ xem xét sử dụng dữ liệu công bằng, đem tới lợi ích thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.
Thông tin trên được bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ (USABC) tổ chức sáng 7/12 tại theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Xung quanh câu chuyện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 412,49%. Đây là mức thuế cao gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.
Cùng với Việt Nam, 4 nước khác gồm: Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina cũng nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này; trong đó, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.
[Ninh Thuận: Mô hình khởi nghiệp nuôi ong dú cho hiệu quả kinh tế cao ]
Bà Phạm Châu Giang cho biết đây là vụ việc đầu tiên ngành nông sản Việt Nam bị áp thuế cao như vậy. Qua theo dõi nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại, riêng trong vụ mật ong các doanh nghiệp, người sản xuất Việt Nam đã cung cấp rất đầy đủ thông tin cho phía cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ.
Trước khi DOC ban hành quyết định sơ bộ, Bộ Công Thương đã họp bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các bộ ngành liên quan để tính đến các kịch bản có thể xảy ra. Thế nhưng, chưa bao giờ tính đến DOC sẽ áp một mức thuế quá cao với nghề nuôi của Việt Nam.
Theo bà Phạm Châu Giang, trong vụ điều tra này, DOC sử dụng dữ liệu không khách quan, không công bằng với doanh nghiệp Việt Nam.
Trước tình thế này, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp để bàn bàn thảo phương án giải quyết; trong đó xác định việc làm ưu tiên là trao đổi trực tiếp với cơ quan điều tra của Hoa Kỳ cũng như các cơ quan liên quan để đưa ra lập luận, dữ liệu chứng minh ngành ong Việt Nam không bán phá giá vào thị trường này.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho biết với mức thuế quá cao như vậy sẽ không ai có thể kinh doanh, xuất khẩu được mật ong sang Hoa Kỳ vì sản phẩm thu về 1 đồng không thể đóng thuế đến 4 đồng.
Thông tin này đúng vào thời điểm bắt đầu vụ mật ong mới của Việt Nam và ảnh hưởng tới đời sống cả cộng đồng người nuôi ong Việt Nam, có gia đình đến nay đã đến 3 thế hệ nuôi ong không biết rồi tương lai sẽ ra sao.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, những năm qua Hội nuôi ong Việt Nam cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn về nuôi ong gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Vì thế, việc áp thuế ảnh hưởng trực tiếp tới nghề nuôi ong Việt Nam, giá trị không chỉ ở mật ong mà còn thụ phấn cây trồng với hệ sinh thái tự nhiên.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 40.000 đến 50.000 tấn mật ong sang Hoa Kỳ nên DOC không thể lấy số liệu tham chiếu từ một doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 200 tấn một năm để điều tra phá giá từ Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam nuôi ong hoàn toàn lấy mật ong để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong khi người nuôi của Hoa Kỳ chỉ thu 30% sản lượng lấy mật, 70% nguồn thu còn lại từ dịch vụ cho thuê đàn ong để thụ phấn.
Do đó, ông Đinh Quyết Tâm bày tỏ mong muốn phía Chính phủ Hoa Kỳ, DOC... xem xét lại quyết định áp thuế sơ bộ. Bởi, sau khi DOC công bố kết quả sơ bộ, từ nay đến 8/04/2022 là thời gian để DOC tiếp tục xem xét, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các bên liên quan và ra kết luận cuối cùng.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp diễn phức tạp, quan hệ 2 nước Việt Nam-Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng bằng phẳng, tần suất áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng tăng lên.
Đến nay, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra 41 vụ việc phòng vệ thương mại; trong đó 31 vụ việc về chống bán phá, chống trợ cấp và 10 vụ việc chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng lưu ý, Hoa Kỳ là quốc gia có biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, chiếm 20% trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng rất đa dạng từ nông lâm thủy sản như tôm, cá basa đến thép, đồng, nhôm, đệm mút, sợi... gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt.
Trước đó, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết Thương vụ cũng báo cáo tham mưu đề xuất với Bộ Công Thương để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp liên quan của Việt Nam chuẩn bị thông tin đầy đủ khách quan cung cấp cho cơ quan điều tra của Hoa Kỳ; đồng thời làm việc với các đối tác nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ có chia sẻ lợi ích với Việt Nam vận động các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ có tiếng nói để DOC xem xét khách quan và hợp lý nhất./.