Việc Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện nhằm phòng chống dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương về khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và chủ động thích ứng trong tình hình mới.
- Trước tình trạng Trung Quốc vẫn áp dụng biện pháp thắt chặt phòng chống dịch COVID-19, xin ông cho biết việc này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực biên giới?
Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản: Việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa, thậm chí có thời điểm gây ùn tắc nghiêm trọng.
Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua; phát sinh chi phí với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phòng dịch.
Đáng lưu ý, đã có thời điểm, nhiều cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động khi Trung Quốc phát hiện virus trên bao bì, hàng hóa và phương tiện vận tải.
Đầu tháng 7/2022, Hải quan Trung Quốc thông báo áp dụng biện pháp phòng chống dịch mới nhằm mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa ổn định kinh tế.
Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị doanh nghiệp làm tốt việc phòng chống dịch từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mặt khác, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy quý 2/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam sang Trung Quốc đạt 310,6 triệu USD, giảm 94,1%; nhập khẩu đạt 2,6 tỷ USD, giảm 73,2% so với quý 2/2021.
- Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới mà doanh nghiệp đang phải đối mặt?
Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản: Hiện nay, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp ỷ lại vào xuất khẩu tiểu ngạch vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc…
[Xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc: Động lực nâng tầm sầu riêng Việt]
Cùng đó, cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh biên giới còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics.
Ngoài ra, cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với phía Trung Quốc.
Một khó khăn nữa là cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương.
Tại một số cửa khẩu, lối mở, xe container chưa vào đến cửa khẩu nên khó khăn trong giao nhận hàng hóa. Cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu cũng hạn chế, một số khu vực cửa khẩu thiếu vốn đầu tư, dự án dở dang khiến thu hút đầu tư, hoạt động thương mại chưa sôi động.
Việc kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua 2 cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu và Đồng Đăng-Bằng Tường chưa đồng bộ, không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.
Hơn nữa, sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường; chất lượng, bao gói sản phẩm không đảm bảo; vùng trồng chậm đăng ký; truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm thấu đáo.
Đây là lý do dẫn đến nhiều sản phẩm chỉ xuất khẩu được theo hình thức tiểu ngạch và không tiêu thụ được ở thị trường khác dù đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Trong số hàng hóa đang ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế.
Điều này lý giải vì sao các hình thức vận chuyển khác như đường biển, đường sắt rất thuận lợi nhưng ít thương nhân Việt Nam có thể tận dụng được.
Mặt khác, các địa phương tuy đã quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng có lúc, có nơi chưa được thực sự sâu sát. Mặc dù Bộ Công Thương cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là Lạng Sơn đã có nhiều văn bản khuyến cáo, đề nghị cùng phối hợp điều tiết sản xuất và lưu chuyển hàng lên biên giới nhưng hiệu quả còn thấp do thiếu sự quan tâm.
Một số địa phương và doanh nghiệp vẫn giữ cách thức làm ăn manh mún, chộp giật dẫn đến việc ùn ứ hàng hóa, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.
Dù vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu nhưng tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã xây dựng kịch bản cũng như có kế hoạch kết nối với khách hàng từ đầu vụ nên chưa đầy 2 tháng đã xuất khẩu gần 130.000 tấn vải.
Trong khi đó, một số sản phẩm khác như mít, thanh long, dưa hấu… năm nào cũng xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu khi vào chính vụ thu hoạch.
Thời gian gần đây, chính sách thương mại biên giới được phía Trung Quốc siết chặt theo hướng ngày càng chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới; tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm quy định với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.
Tất cả những điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu.
Một số tỉnh biên giới chưa thiết lập được “vùng xanh,” “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với Trung Quốc như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 350/TB-VPCP về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
- Vậy để khắc phục khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu xuất khẩu qua biên giới, theo ông đâu là giải pháp hiệu quả?
Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản: Trước mắt, thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu” và “xuất khẩu phải an toàn,” Bộ Công Thương khuyến cáo địa phương vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động theo dõi sát tình hình để điều tiết lượng hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Bên cạnh đó, triển khai đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu theo hướng dẫn của FAO và WHO.
Mặt khác, địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo nguyên tắc thương mại quốc tế nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.