Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/10, tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cân đối cung-cầu hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thường xuyên bám sát diễn biến cung-cầu, giá cả hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có khả năng mất cân đối cung-cầu trong ngắn hạn để kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành, đảm bảo thông tin và cung-cầu hàng hóa.
[Phát triển hạ tầng thương mại: Giải pháp cơ chế chính sách]
Đáng chú ý, bộ đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán, trong đó yêu cầu các sở, doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn sát Tết đồng thời tăng cường các điểm bán tại khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa… nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Tuấn cũng thông tin bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh đưa các mặt hàng bình ổn thị trường vào siêu thị, chợ đầu mối nhằm đảm bảo đủ hàng hóa vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng chương trình bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm...
Tại phiên họp của Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp nhằm kích thích tiêu dùng, sản xuất nguồn hàng phục vụ nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn để tái sản xuất, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hội nghị hội thảo phổ biến, giải đáp về các hiệp định mới ký kết, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định.
Còn tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội cũng xác định phối hợp với các địa phương phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng Thủ đô.
"Kế hoạch kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm là Hà Nội sẽ tổ chức một loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng như như Tháng Khuyến mại tập trung, Hội chợ Kết nối cung cầu gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trên 30 chuyến bán hàng lưu động, 12 phiên chợ hàng Việt, Hội chợ đặc sản vùng miền… Về cơ bản, sẽ đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa những tháng cuối năm," đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay./.