Sáng nay (26/9), tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 94.000 tấn đường (mã HS 17.01) năm 2018.
[Bộ Công Thương tổ chức đấu giá thành công 89.500 tấn đường]
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, đến 17 giờ ngày 20/9 (là thời hạn cuối để tiếp nhận hồ sơ), tổ giúp việc của Hội đồng đấu giá đã tiếp nhận được 20 hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá, trong đó có 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá đường thô để sản xuất đường tinh luyện và 16 hồ sơ đấu giá của thương nhân trực tiếp sử dụng đường để sản xuất.
Sau khi rà soát, kết quả có 19 hồ sơ hợp lệ, gồm 4 hồ sơ đăng ký đấu giá đường thô và 15 hồ sơ của thương nhân đăng ký đấu giá đường tinh luyện.
Về chủng loại và số lượng, theo Bộ Công Thương, quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 65.000 tấn đường thô (mã HS 17.01) và quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 29.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 17.01).
Cơ quan này cũng công bố mức giá khởi điểm đối với đường thô là 1.400.000 đồng/tấn và đường tinh luyện là 1.400.000 đồng/tấn. Bước giá là 10.000 đồng/tấn.
Phát biểu tại phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2016 và 2017, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.
Để tổ chức Phiên đấu giá năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành 1 Thông tư (22/2018/TT-BCT) và 2 Quyết định. Hội đồng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 cũng ban hành 1 Quyết định về Quy chế tham gia đấu giá.
"Phiên đấu giá hôm nay được tiến hành theo nguyên tắc công khai, công bằng minh bạch dưới sự chứng kiến giám sát của các bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Theo kết quả, đối với đường tinh luyện, có 7 thương nhân trúng đấu giá với tổng số 29.000 tấn, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam (1.000 tấn), Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (20.000 tấn).
Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn FES Việt Nam (1.000 tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Unilever Việt Nam (1.000 tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Red Bull Việt Nam (1.000 tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam (4.000 tấn) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Kirin Việt Nam (1.000 tấn).
Trong khi đó, chỉ có 30.000 tấn đường thô trong tổng số 65.000 tấn được đấu giá thành công, theo đó Công ty cổ phần Đường Việt Nam (20.000 tấn); Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (4.000 tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường TTC Biên Hòa-Đồng Nai (4.000 tấn) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường Biên Hòa-Ninh Hòa (2.000 tấn)./.