Bộ Công Thương công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN

Theo Bộ Công Thương, doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.
Bộ Công Thương công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN ảnh 1Nhân viên EVN Hà Nội chốt chỉ số công tơ cho khách hàng sử dụng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp báo Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Năm 2022, EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng

Theo ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng Giá điện và Phí (Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương), tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng và năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện và phụ trợ-quản lý ngành.

Trong khi đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).

[Tính toán mức điều chỉnh hợp lý để kiểm soát lạm phát]

Về chi phí, doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2021, ông Phương cho hay, tổng chi phí khâu phát điện là 339.387,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.506,40 đ/kWh. So với năm 2020, chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng 28.425,35 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng chi phí khâu truyền tải điện là 14.820,86 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,78 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối-bán lẻ điện là 63.313,47 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 281,02 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ-quản lý ngành là 1.509,52 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,70 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 265,75 tỷ đồng.

Về sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2021 là 225,30 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2021 là 418.056,49 tỷ đồng, tăng 5,87% so với năm 2020. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2021 là 1.855,57 đ/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020.

Bộ Công Thương công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN ảnh 2Đại diện Cục Điều tiết Điện lực thông tin về giá thành sản xuất điện của EVN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng theo ông Phương, tính đến hết năm 2021, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng và khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2022 tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đ/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng.

Cùng đó, tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối-bán lẻ điện là 62.543,78 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối-bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ-quản lý ngành là 1.623,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ-quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng.

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đ/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.

“Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng,” ông Phương cho hay.

Phát điện là khâu lỗ nhiều nhất

Giải thích thêm tại buổi họp báo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực chia sẻ, phát điện là khâu lỗ nhiều nhất, trong đó chủ yếu do tăng nhiên liệu đầu vào như giá than nhập khẩu tăng dẫn đến chi phí tăng cao.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, giai đoạn vừa qua có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, thậm chí tăng 4-5 lần, còn giá dầu cũng tăng gấp đôi, dẫn đến chi phí đầu vào cho phát điện tăng cao.

"Trước khó khăn đó, về phía EVN đã thực hiện cắt giảm các chi phí lên đến 30%, cùng với đó là thực hiện tối ưu hệ thống vận hành các nhà máy điện," ông Nam nói.

Liên quan tới điều chỉnh giá điện, ông Nam bày tỏ, do rất khó khăn về tài chính, vì thế sau khi thực hiện các giải pháp, EVN đã có đề xuất Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh mặt hàng này.

Tuy vậy, qua các khâu kiểm tra theo quy định, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, cơ chế điều chỉnh sẽ căn cứ vào các thông số đầu vào, nếu thông số đầu vào tăng từ 3%-5% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định thì sẽ điều chỉnh tăng giá bán lẻ, còn nếu thông số đầu vào giảm thì sẽ giảm tương ứng...

"Giá điện tác động mạnh đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên Bộ Công Thương cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét," ông Hoà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục