Bộ Công Thương: Chú trọng chính sách tìm đầu ra cho nông sản miền núi

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án nhằm tác động tích cực tới việc hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sơ chế quế tại Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường, Bộ Công Thương luôn coi nhiệm vụ tìm đầu ra cho nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, giai đoạn từ 2021-2025, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hai nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn địa phương đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa được hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Chính vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng dân tộc thời gian qua đã đạt được những bước tiến vượt bậc.

Đơn cử như tổ chức hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; xây dựng cẩm nang giới thiệu đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo, tập huấn đến hàng nghìn cán bộ các tỉnh, thành phố trong giai đoạn triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết một hoạt động hết sức quan trọng của Bộ Công Thương là tổ chức những điểm bán hàng hai chiều, cung ứng được hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng đó, thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số về những tỉnh thành có đầu mối giao thương lớn cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đáng chú ý, việc triển khai các chương trình này đã giúp lan tỏa đến doanh nghiệp bán lẻ lớn khắp cả nước.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản miền núi, vùng dân tộc vẫn còn gặp một số vấn đề nguồn hàng và sản lượng.

Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với sản phẩm đặc sản vùng miền và sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Thế nhưng, mỗi khi có nhu cầu tăng thêm, lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn do doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, sản lượng sản xuất hạn chế.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa của các hợp tác xã, đơn vị sản xuất về điểm giao hàng, trung tâm hay điểm bán hàng của hệ thống đang còn khá nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miền núi, theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án nhằm tác động tích cực tới việc hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước.

Cùng đó, quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài,hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt một đoàn kiểm tra đi kiểm tra 14 tỉnh, thành phố hoạt động về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng, đầu tư mới và cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Do vậy, từ nay cho đến cuối năm Bộ sẽ tiếp tục khảo sát để có những đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách kịp thời tháo gỡ.

Tuy nhiên, người dân sẽ là những người tiêu dùng thông minh, mạnh mẽ ủng hộ sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hưởng ứng nhiệt tình Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng dùng hàng Việt Nam. Đây là động lực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục