Bộ Công an: Ứng dụng chuyển đổi Số để đối phó với các hình thức tội phạm mới

Khi tỷ lệ tội phạm gia tăng, nhiều loại hình tội phạm mới cũng phát sinh như lừa đảo trên môi trường mạng, buôn bán ma túy đe dọa đến an ninh trường học, bắt cóc, xâm hại trẻ em, mua bán người...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, các đại biểu đã nghe 4 trưởng ngành: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, giải trình về công tác thực thi pháp luật.

Các đại biểu bày tỏ lo ngại khi nhiều loại tội phạm mới phát sinh như tội phạm trên môi trường mạng, buôn bán ma túy đe dọa đến an ninh trường học, bắt cóc, xâm hại trẻ em, mua bán người...

Phức tạp tình hình phạm tội trên mạng

Tham gia phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Lực lượng công an xã đã được xây dựng, củng cố, góp phần làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm ngay từ địa bàn, cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo ngại về công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng chưa thực sự hiệu quả.

“Mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí song vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả. Chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh,” đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn Điều 30 Luật An ninh mạng, cho thấy Nhà nước đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên vẫn cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng.

Đại biểu cũng cho rằng có thể xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Phạm Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Trần Công Phàn, tỉnh Bình Dương cho rằng cần làm tốt công tác phòng ngừa hành vi phạm tội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) thì nêu quan ngại khi công tác đấu tranh chống tội phạm đạt hiệu quả nhưng tội phạm vẫn tăng lên, đặc biệt là các loại hình tội phạm mới.

“Nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã làm tốt, nhưng tại sao tội phạm vẫn tăng? Phải chăng đã đến lúc nghiên cứu một cách căn cơ để đi tìm nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa,” ông Trần Công Phàn đặt vấn đề.

Tỷ lệ phá án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng khối lượng công việc cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên có những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi. Làm rõ nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng một phần là do cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách và nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cần phải có thời gian.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay Bộ Công an sẽ tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục