Bộ Công an cảnh báo nhiều lễ hội đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn

Một số lễ hội mỗi ngày đón hàng chục nghìn lượt người đến thắp hương, đốt vàng mã… trong khi ý thức chủ quan của con người trong sử dụng lửa có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy nổ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hàng năm, Việt Nam có trên 8.000 lễ hội diễn ra, trong đó một số lễ hội thu hút số lượng lớn người tham gia dâng hương, làm lễ.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an), các lễ hội này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn; đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người; hủy hoại về tài sản, di sản văn hóa…

Để đảm bảo an toàn cháy nổ, C66 cùng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy các địa phương trong của nước đã và đang chủ động, tích cực phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa lễ hội 2017.

Trước tình hình xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, lãnh đạo C66 nhận định ngoài đặc điểm khí hậu của mùa hanh khô có tác động lớn đến tình hình cháy, tại các lễ hội thường tập trung đông người với nhiều lứa tuổi, trình độ, khả năng nhận thức về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khác nhau. Một số lễ hội mỗi ngày đón hàng chục nghìn lượt người đến thắp hương, đốt vàng mã… trong khi ý thức chủ quan của con người trong sử dụng ngọn lửa trần (thắp hương, đốt vàng mã, hút thuốc…) có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy nổ.

Nhiều cửa hàng dịch vụ kinh doanh ăn uống, vàng mã, nghỉ trọ qua đêm được làm bằng vật liệu dễ cháy (gỗ, tranh, tre, nứa, lá…). Hệ thống dây dẫn điện, thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về an toàn phòng cháy, chữa cháy, câu móc tùy tiện, lượng tải tiêu thụ điện vượt quá giá trị cho phép; khí gas hóa lỏng phục vụ cho đun nấu không được bố trí, kiểm tra cẩn thận... Đồng thời, ý thức, kiến thức và trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ còn nhiều hạn chế.

Nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng là do lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng hoạt động không hiệu quả, không biết cách vận hành, sử dụng hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy tại chỗ. Đây chính là những nguyên nhân khiến cháy gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại.

Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác theo sự chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô và mùa lễ hội nhằm ngăn chặn cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng đồng thời mở đợt tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy hiểm cháy, nổ cao; tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế của địa phương.

Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất để khi có cháy xảy ra có thể điều động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu chữa đạt hiệu quả cao…

Theo thống kê của công an về tình hình cháy, nổ, từ ngày 16/1 đến ngày 15/2, toàn quốc xảy ra 435 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương 12 người, tài sản thiệt hại ước tính 86,18 tỷ đồng. Toàn quốc xảy ra 4 vụ nổ, làm chết 3 người, bị thương 3 người.

Đặc biệt thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ trên xe khách nghiêm trọng như: vụ cháy xe khách trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Quảng Nam ngày 3/2; vụ xe khách bị cháy rụi trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương chiều 4/2, may mắn là hơn 30 hành khách thoát nạn.

Nghiêm trọng như ngày 21/2, xe ôtô chở khách đang lưu thông trên quốc lộ 18 theo hướng Thái Nguyên-Móng Cái, qua địa phận thôn Đông Du, xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã bất ngờ phát nổ làm 2 người chết, 16 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục