Bờ biển Kiên Giang sạt lở, 600ha đất rừng phòng hộ biến mất

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác rừng quá mức của người dân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng tại nhiều khu vực ven biển của tỉnh Kiên Giang.
Bờ biển Kiên Giang sạt lở, 600ha đất rừng phòng hộ biến mất ảnh 1Sạt lở nghiêm trọng, người dân ấp Kim Quy phải gia cố bờ kè để chống chịu với sóng biển. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác rừng quá mức của người dân nhận khoán rừng dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng tại nhiều khu vực ven biển của tỉnh Kiên Giang.

Khu vực bờ biển tỉnh Kiên Giang trải dài từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh, khoảng 200km. Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69,8 km bờ biển bị sạt lở, trong đó khoảng 35km sạt lở đất nghiêm trọng. Cụ thể, địa bàn huyện An Biên 5km, Kiên Lương 3km, Hòn Đất 7km, nghiêm trọng nhất huyện An Minh có 37km bờ biển thì 20km bị sạt lở.

Sạt lở đã làm ảnh hưởng cuộc sống trên 500 hộ dân sinh sống và bị mất khoảng 600ha đất rừng phòng hộ.

Theo ông Trần Phi Hải, Giám đốc Ban quản lý rừng An Biên-An Minh, tình trạng sạt lở nhiều bắt đầu từ năm 1996, nhưng thời gian này cũng theo quy luật. Nghĩa là mỗi năm sạt lở vài chục mét tính từ bờ ra, nhưng đất vẫn bồi lại. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn, không còn theo quy luật “bên lở, bên bồi” nữa mà chỉ có lở.

Tính trung bình mỗi năm, sạt lở đã làm mất khoảng 20m. Sạt lở nhiều nhất đoạn từ Xẻo Quao đến rạch Tiểu Dừa thuộc địa bàn xã Vân Khánh, Vân Khánh Tây và Vân Khánh Đông.

Ông Lê Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Minh, cho biết trên địa bàn huyện có 721 hộ nhận khoán 2.226ha đất rừng ven biển. Mỗi hộ trung bình nhận khoán từ 1-7ha, trong đó người dân nhận khoán được sử dụng diện tích 30% mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhiều hộ bị sạt lở không còn diện tích đất để sản xuất.

Đến nay đã có khoảng 300ha rừng bị mất, trong đó có 38 hộ nhận khoán đã mất trắng diện tích. An Minh không chỉ mất diện tích rừng, mà người dân nhận khoán đất rừng cũng gặp khó khăn. Trước tình hình chung, huyện An Minh cũng chưa có giải pháp nào giúp người dân, mà chỉ tuyên truyền, vận động di dời nhà cửa để tránh rủi ro.

[Bờ biển Tây ở Kiên Giang sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão]

Theo ông Trần Phi Hải, Giám đốc Ban quản lý rừng An Biên-An Minh, bản thân ông làm công việc quản lý, bảo vệ rừng từ năm 1992 trên địa bàn hai huyện An Biên-An Minh nên biết rất rõ nơi nào có rừng nhiều, cây lớn. Ấy vậy mà có nơi ngủ một đêm thức dậy kiểm tra lại không thấy cây rừng đâu nữa do bị sạt lở nhấn chìm theo cơn sóng biển, thấy mà đau xót.

Ông Hải cho rằng nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay, gió Tây Nam thổi mạnh gây sóng lớn, phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm nên các đoạn bờ biển ngày càng xói lở nhiều hơn, thậm chí lấn sâu vào đất liền, đê biển, nhiều đoạn sạt lở đến đê quốc phòng. Trước tình hình sạt lở ngày càng nhiều, huyện An Minh thực hiện kè bằng phương pháp truyền thống, như tre, dừa, cây tràm, nhưng cũng bị sóng đánh vỡ.

Chị Võ Thị Kim Loan, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, cho biết khoảng 5 năm về trước, căn nhà nằm trong khu rừng toàn cây đước, cây mắm rất chắc chắn, giờ bị sóng đánh sạt lở hết; nhà chị đang nằm cặp sát bờ biển, mỗi năm chi phí cả chục triệu đồng để gia cố bờ đê, nếu không “hà bá” cũng “lôi” căn nhà chị xuống biển.

Cách nhà chị Loan không xa là căn nhà sàn nằm trên mặt nước biển của ông Tư Bửu. Theo lời ông Bửu, căn nhà sàn này trước đây nằm hoàn toàn trên phần đất liền và cách bờ biển khoảng 1km, nhưng giờ bị sóng biển đánh mất hết đất, cây rừng nên phải sống chung với “hà bá.”

Các chiến sỹ Trạm Biên phòng Kim Quy, xã Vân Khánh, cho biết trước đây trạm cách biển khoảng 300m, nhưng đã bị sóng biển đánh sạt lở, phải dời vào trong.

Ông Nguyễn Thanh Điền, ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, gắn bó với nghề giữ rừng hơn 10 năm chia sẻ, trước đây, khi mới về lập nghiệp, rừng mắm được bao phủ toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản; tôm, cá, ba khía nhiều vô kể. Tuy nhiên, thiên nhiên đâu lường trước được điều gì, hơn 10 năm, nhưng mỗi năm sạt lở một ít, rừng bị cuốn trôi, từ 3ha đất, giờ còn chưa được 4.000m2, nhìn mà đau lòng. Nhìn cánh rừng ngày càng thu hẹp mà lực bất tòng tâm. Mấy năm nay, ông Điền không nuôi trồng thủy sản được, bởi thả chưa được bao lâu thì bị triều cường, sóng đánh vỡ bờ bao, cuốn trôi hết.

Bờ biển Kiên Giang sạt lở, 600ha đất rừng phòng hộ biến mất ảnh 2Nhiều hộ dân ấp Kim Quy trước đây nằm trên nền đất liền, giờ nước biển cuốn trôi hết đất và cây rừng, nên giờ phải sinh sống trên ''miệng hà bá'' rất nguy hiểm. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ông Võ Minh Lễ, Bí thư Huyện ủy An Minh cho rằng tình hình sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện như hiện nay đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nếu như không có biện pháp nào khắc phục thì trong vòng hai năm nữa toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển sẽ biến mất. Theo đó, đồng nghĩa với việc 2.226 hộ nhận khoán đất rừng sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Nếu mất diện tích rừng, sóng biển sẽ ập vào tới đê quốc phòng và khả năng nước biển xâm nhập sâu vào đất sản xuất của người dân là rất cao.

Hiện tại, huyện An Minh vận động người dân sinh sống trong vùng sạt lở dùng bao cát và vật dụng tự làm bờ kè chống đỡ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị với ngành chức năng tỉnh sớm trình với Trung ương biện pháp chống sạt lở bằng vật liệu cứng, nhằm cứu được rừng, cứu người dân thoát cảnh khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, với tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã làm việc với các địa phương bị sạt lở và xây dựng phương án hỗ trợ người dân. Việc xây dựng kè chỉ mang tính tạm thời, ở những đoạn sạt lở nghiêm trọng, như Tiểu Dừa, Xẻo Nhàu thuộc huyện An Minh, những nơi sạt lở sát đê về lâu dài cần có nguồn vốn đầu tư lớn xây dựng hệ thống kè cứng, gây bồi tạo bãi mới đảm bảo được tình trạng sạt lở.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện An Minh và các đơn vị liên quan tiến hành xác định ranh giới khu vực sạt lở bờ biển; tiến hành lập dự án cấp bách gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn bảo vệ khu vực huyện An Minh và tạo sinh kế cho người dân ven biển, đổ trụ rỗng tiêu giảm sóng, gây bồi tạo bãi với chiều dài gần 4.000m, kinh phí gần 120 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về tình hình sạt lở và đề nghị hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng dự án cấp bách khắc phục, phòng chống sạt lở ven biển. Tỉnh cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để thực hiện các mô hình thuộc dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long.”

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết trong dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long” có hợp phần sinh kế, nguồn vốn của tỉnh đối ứng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới, tổng dự án 736 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống xói lở bờ biển và hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản ở hai huyện An Biên, An Minh. Đây cũng là một trong những giải pháp khi triển khai sẽ giúp người dân các huyện bị sạt lở có điều kiện ổn định cuộc sống.

Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long” dự kiến sẽ triển khai vào năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục