Bộ áp điểm sàn tăng, các trường đại học có khó khăn nguồn tuyển?

Theo lãnh đạo các trường, mức tăng là phù hợp trong bối cảnh điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay cao hơn năm 2019 nên không gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Chiều 7/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngưỡng điểm chất lượng đầu vào với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm với mức điểm tăng so với năm 2019 (điểm sàn của nhóm ngành sư phạm tăng 0,5 điểm, nhóm ngành sức khỏe tăng 1 điểm).

Theo lãnh đạo các trường, mức tăng này là phù hợp trong bối cảnh điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay cao hơn năm 2019. Vì thế, việc tăng điểm sàn sẽ đảm bảo được chất lượng đầu vào nhưng không gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường.

Vẫn đảm bảo nguồn tuyển

Theo công bố, điểm sàn ngành y đa khoa và răng hàm mặt năm nay là 22 điểm; ngành y học cổ truyền và dược học 21 điểm; nhóm ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng có điểm sàn là 19 điểm. Năm 2019, điểm sàn của các ngành này lần lượt tương ứng là 21, 20 và 18 điểm. Đây cũng là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức điểm sàn cho khối ngành y nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng nhân lực ngành y, lĩnh vực đặc thù, liên quan mật thiết tới sức khỏe, sinh mạng người dân.

Đánh giá về ngưỡng điểm sàn sức khỏe năm 2020, giáo sư Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường đại học nhóm công lập và nhóm ngoài công lập.

Dù điểm sàn của Bộ không quá quan trọng với Đại học Y Hà Nội do điểm chuẩn của trường luôn cao hơn nhiều so với điểm sàn, song giáo sư Văn nhân mạnh điểm sàn rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y.

Với các trường nhóm dưới, nhất là với khối trường dân lập, điểm chuẩn gần như đều bằng điểm sàn, nên đây là điểm số có tính quyết định tới số lượng thí sinh trúng tuyển, đồng nghĩa với việc quyết định sự phát triển của trường.

Theo ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, một điểm là mức tăng điểm sàn hợp lý cho mùa tuyển sinh năm nay khi điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng. Hiệu trưởng Đại học Duy Tân bày tỏ hy vọng số thí sinh đăng ký đại học năm nay cũng sẽ tăng lên.

[Dự kiến điểm chuẩn đại học tăng, 9 điểm/môn vẫn có thể trượt]

Phó giáo sư Trần Công Luận, Hiệu trưởng Đại học Tây Đô, cho hay các trường ngoài công lập đúng là có mức điểm chuẩn thấp do khó thu hút học sinh sinh ở nhiều yếu tố, từ thương hiệu cho đến mức học phí. Tuy nhiên, ông Luận nhấn mạnh chất lượng đầu ra mới là yếu tố quan trọng, đòi hỏi các trường phải chặt chẽ trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, để được làm nghề, sinh viên sẽ còn phải trải qua quá trình sát hạch với nhiều điều kiện của Bộ Y tế.

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sỹ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng với hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực của ngành y, dù sinh viên đã có bằng tốt nghiệp nhưng không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. “Vì thế, các trường phải nỗ lực trong nâng cao chất lượng đào tạo và quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định,” ông Tác nhấn mạnh.

Bộ áp điểm sàn tăng, các trường đại học có khó khăn nguồn tuyển? ảnh 1Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Sư phạm: Lần đầu tiên phân hai loại điểm sàn theo ngành

Việc đưa ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào riêng với nhóm ngành sư phạm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ năm 2018. Tuy nhiên, trong các năm 2018 và 2019, điểm sàn được quy định chung cho tất cả các ngành ở cùng bậc học. Đây là năm đầu tiên Bộ đưa ra mức điểm sàn riêng cho nhóm ngành nghệ thuật, thể thao. Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành sư phạm trình độ đại học năm 2020 là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Huấn luyện thể thao, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung 1 điểm.

Ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đánh giá đây là phương án phù hợp với thực tế vì các em có năng khiếu thể thao, nghệ thuật thường tập trung cho rèn luyện năng khiếu nên điểm thi các môn văn hóa sẽ thấp hơn.

Cũng theo ông Phượng, việc tăng điểm sàn lên 0,5 điểm so với năm ngoái của nhóm ngành sư phạm là hợp lý. Điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng so với năm ngoái nên các trường cũng không lo thiếu nguồn tuyển.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là điểm để ngăn chặn tình trạng các trường lấy điểm chuẩn xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhân lực. Trên thực tế, điểm chuẩn của các trường tốp trên luôn cao hơn so với điểm sàn.

Ngoài hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe, các trường đại học sẽ được phép tự quyết định điểm sàn và điểm chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục Đại học về quyền tự chủ tuyển sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục