Hãng tin Bloomberg ngày 5/1 dự đoán châu Âu sẽ hoàn toàn thiếu khí đốt mùa Đông này do băng giá và lượng khí đốt dự trữ thấp và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.
Các nhà phân tích đánh giá: “Còn 2 tháng lạnh nhất của mùa Đông ở phía trước và có những lo ngại rằng châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt."
Tình trạng thiếu hụt khí đốt là do châu Âu giảm sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên và thiếu các thỏa thuận với Nga.
Cụ thể, Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Wood Mackenzie, thừa nhận không thể đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết trong các kho chứa nếu không có nguồn cung bổ sung từ Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hoặc các tuyến đường ống khác.
Trong khi đó, giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã có lúc vượt ngưỡng 2.150 USD/1.000m3.
[Giá khí đốt châu Âu tăng cao đột ngột khi thời tiết ngày càng lạnh giá]
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng các nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu là do Ủy ban châu Âu từ chối các hợp đồng dài hạn, giảm sản lượng khai thác khí đốt của chính mình cũng như mùa Đông lạnh giá.
Ngày 4/1, giá khí đốt châu Âu đã tăng hơn 30% do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn.
Cụ thể, vào lúc 11h41 theo giờ GMT, giá khí đốt giao trước 1 tháng theo hợp đồng của Hà Lan ở mức 99,50 euro/MWh, tăng 27,5 euro. Trong khi, giá khí đốt giao trước 1 ngày có mức tăng 30,50 euro lên 97 euro/MWh.
Kể từ tháng 1/2021 đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp 5 lần, khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần cáo buộc Nga chơi "lá bài chính trị" về khí đốt bởi Moskva cung cấp hơn 40% tổng lượng khí đốt cho châu Âu, trong khi Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Nga vẫn luôn khẳng định đang đáp ứng tất cả các hợp đồng khí đốt đã thỏa thuận cung cấp./.