Theo báo Bưu điện Tài chính cuối tuần qua, BlackBerry - công ty sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng Canada - đã công bố chiến lược mới có tên "Dự án Ion".
Mục đích của dự án này là mở rộng khuôn khổ giao tiếp thông qua sự tương tác giữa máy với máy (M2M: machine-to-machine) trong môi trường mạng (Internet of Things), hoặc hiểu một cách đơn giản là giao tiếp giữa các điện thoại thông minh BlackBerry với nhau trong một môi trường kết nối Internet an toàn.
Đây là một dự án hoàn toàn mới nhằm tăng khả năng mở rộng, cũng như nâng cấp M2M dành cho gói dịch vụ doanh nghiệp mà BlackBerry cung cấp trước kia.
Theo công ty BlackBerry, các gói dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp là độc quyền và an toàn, song nó có thể đã lỗi thời, cần nâng cấp và mở rộng.
Về cơ bản, M2M kết nối tất cả các loại thiết bị và máy móc trên hệ thống mạng, từ đó chúng có thể giao tiếp với nhau thông qua máy chủ trung tâm.
Kết cấu của giao tiếp này là các hệ thống hoặc trạng thái môi trường xung quanh có khả năng trao đổi, truyền tải dữ liệu đến cơ sở hạ tầng kết nối Internet, tạo ra hiệu quả về thu thập dữ liệu, thay đổi phương thức làm việc, từ đó có thể tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Người ta có thể tích hợp hay gắn cảm biến kết nối vào các vật thể, từ xe hơi, đèn đường cho đến máy thu hình (TV), tủ lạnh.
Tất cả thông tin dữ liệu mà cảm biến kết nối có thể thu thập là vị trí, độ cao, tốc độ, nhiệt độ, ánh sáng, chuyển động, độ ẩm, lượng đường trong máu cho đến chất lượng không khí, độ ẩm của đất. M2M được xem là hệ thống đường ống dẫn thông tin đi khắp mọi nơi.
Trong mạng lưới M2M không có một tiêu chuẩn công nghệ kết nối cụ thể nào, tất cả thiết bị có thể sử dụng bất cứ công nghệ kết nối nào mà nó có.
Các thiết bị trên M2M hoạt động và làm việc trong cùng một phương thức kết nối. Một số thiết bị M2M kết nối thông qua mạng di động, một số thông qua Wi-Fi hoặc thông qua công nghệ kết nối khác.
Phương thức này đơn giản chỉ là các thiết bị điện tử giao tiếp với nhau thông qua một phương tiện không dây để nắm bắt các hoạt động, sự kiện nhờ hệ thống mạng.
Phương thức truyền thông này không cần có sự can thiệp của con người và có thể thông qua bất kỳ công nghệ kết nối không dây nào đang được phát triển.
Có nhiều phương thức truyền dữ liệu tầm ngắn như: công nghệ không dây có sẵn, bao gồm: RFID, NFC, Wi-Fi, Bluetooth, XBee, Zigbee, Z-Wave và hệ thống không dây M-Bus.
Ngoài ra còn có các mạng cố định như Ethernet, HomePlug, HomePNA, HomeGrid/G.hn và LonWorks.
Đối với khả năng truyền dữ liệu tầm xa, hoặc diện rộng thì có mạng lưới di động sử dụng các công nghê vệ tinh và GSM, GPRS, 3G, LTE hay WiMAX.
Ngoài ra các kết nối không dây khác như SIGFOX-ultra-narrowband và NeulNET - TV white-space cũng đang nổi lên để thiết kế đặc biệt dành riêng cho M2M.
Một số nền tảng như WaspMote Libelium, có thể được cấu hình để phù hợp với nhiều lựa chọn kết nối tầm ngắn và diện rộng cũng dần phát triển nhờ vào ứng dụng cho M2M.
Dự án ion của BlackBerry gồm ba phần: một là giải pháp điện toán đám mây được hỗ trợ bởi QNX; hai là tập hợp chung lại vào một hệ sinh thái trong đó có sự liên kết giữa các nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng và các đối tác khác; và ba là liên minh quan hệ đối tác với các hiệp hội lớn hơn, ví dụ như Industrial internet consortium hay Application Developers Alliance.
Đây là một hướng đi mới của BlackBerry, được lên kế hoạch từ khi nền tảng BlackBerry QNX được mua lại cách đây hơn 2 năm.
Được biết nền tảng này là một hệ điều hành, một hệ sinh thái xanh an toàn nằm sâu bên trong nhiều ngành công nghiệp và BlackBerry đang muốn khai thác và sử dụng hết tính năng và hiệu suất của nó mà trước đây chưa thể thực hiện được.
Việc công bố chiến lược trên diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau khi BlackBerry đầu tư vào công ty phát triển công nghệ thông tin NantHealth, sẽ hợp tác BlackBerry về cách thức kết nối các thiết bị y tế với các trung tâm dữ liệu và thiết bị cầm tay của các bác sỹ.
Tổng giám đốc điều hành John Chen của BlackBerry đã xác định y tế là một trong những ngành mà công ty này tập trung để tái thiết lập cơ sở khách hàng doanh nghiệp của họ.
BlackBerry cũng có kế hoạch giới thiệu phiên bản mới của công nghệ Dịch vụ doanh nghiệp BlackBerry (BES), sẽ cho phép các công ty quản lý các máy điện thoại BlackBerrys chạy phần mềm BB7 hoặc BB10, cùng với các loại điện thoại iPhone của Apple và các loại điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android.
(TTXVN/Vietnam+)