Người dân Việt Nam đã không còn xa lạ với Ngày Black Friday (Thứ Sáu đen). Năm nay, các cửa hàng đã căng băng rôn, treo biển quảng cáo từ sớm với hàng loạt mức ưu đãi giảm giá hấp dẫn, tuy nhiên đáp lại vẫn là sự thờ ơ của người tiêu dùng.
Giảm giá sâu vẫn không ‘hút khách’
Sau nhiều tháng phải đóng cửa vì dịch COVID-19, các cửa hàng kinh doanh kỳ vọng ngày lễ mua sắm sẽ là cơ hội để phục hồi doanh thu. Vì vậy, các hoạt động giảm giá, khuyến mãi được nhiều cửa hàng thực hiện từ sớm, nhằm giảm tải lượng khách vào đúng ngày lễ.
Những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng đều có mức khuyến mãi giảm giá từ 50% cho các sản phẩm. Tại trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, các thương hiệu như Levi’s, Fila, JM Dress hay The Blue đều giảm giá sản phẩm lên đến 70%.
[Hà Nội: Không khí trái ngược trong ngày hội mua sắm Black Friday 2021]
Tại Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), thương hiệu thời trang H&M khuyến mãi nhiều sản phẩm có ưu đãi đến 50%, Adidas giảm giá toàn bộ sản phẩm từ 20-30%, trong khi đó Uniqlo cũng giảm từ 100.000-300.000 đồng/sản phẩm, áp dụng ở cả kênh mua hàng online và offline.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, không khí mua sắm tại các cửa hàng và trung tâm thương mại khá trầm lắng. Dù các cửa hàng thời trang vừa và nhỏ ngập tràn khuyến mại, đa số khách hàng vẫn không mấy mặn mà. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh quần áo cho biết các “tín đồ mua sắm” chỉ quan tâm các chương trình giảm giá của thương hiệu lớn.
Đánh giá về sức mua của người tiêu dùng dịp Black Friday năm nay, các chủ cửa hàng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách tuy có tăng so với ngày thường nhưng không đông như các năm trước. Chị Thảo, quản lý cửa hàng thời trang Twenty5, ở quận Đống Đa chia sẻ: “Có thể trong buổi sáng người dân còn đi làm nên chưa thể đến mua sắm. Hy vọng đến tối tình hình sẽ khả quan hơn.”
Bên cạnh các mặt hàng thời trang và trang sức, các sản phẩm khác như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất,... cũng đều giảm giá sâu vào dịp Black Friday năm nay. Tại các cửa hàng Thế Giới Di Động, CellphoneS,... các sản phẩm điện thoại và laptop đều giảm giá từ 15-20%, một số phụ kiện như tai nghe giảm 50%. Siêu thị Điện Máy Xanh cơ sở Khâm Thiên (quận Đống Đa) cũng giảm giá 50% hàng loạt sản phẩm gia dụng từ tivi, tủ lạnh, máy giặt...
Muôn kiểu lý do từ chối “Black Friday”
Dù đã thực hiện nhiều hình thức giảm giá sâu các mặt hàng và chạy quảng cáo trên các trang mạng, song chừng đó hoạt động vẫn chưa thể giúp các cửa hàng thu hút nhiều khách mua trong dịp mua sắm lớn nhất năm nay.
Sau khi tham khảo một loạt các cửa hàng quần áo, chị Hà, người dân tại quận Hai Bà Trưng quyết định không mua sắm dịp Black Friday này do các sản phẩm được giảm giá đa phần là những mẫu cũ, những mẫu mới lại không giảm giá mạnh.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng ngày hội mua sắm Black Friday đã phần nào giảm sức hút do trong năm các cửa hàng thường xuyên tung ra nhiều đợt khuyến mãi. Bên cạnh đó, mỗi tháng người dân đều dễ dàng tìm mua các sản phẩm ưng ý với mức giá ưu đãi vào các dịp giảm giá hàng tháng như 10/10, 11/11, 12/12...
Thêm vào đó, số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, đặc biệt là số lượng ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội những ngày gần đây khiến người tiêu dùng lo ngại việc tới các cửa hàng, trung tâm thương mại vì sợ đông người.
Là một trong số nhiều người quyết định đứng ngoài đợt mua sắm lớn nhất năm nay, chị Trinh, người dân tại quận Cầu Giấy cho biết bản thân đã mua sắm đủ các đồ dùng cần thiết nhờ các đợt giảm giá trong năm, đồng thời cũng muốn tiết kiệm chi phí để chi tiêu vào dịp mua sắm Tết Nguyên Đán cuối năm.
Ngoài ra, thời tiết cũng là một lý do ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng trong dịp này. Ngày Black Friday năm nay đến vào thời điểm thời tiết chưa quá lạnh, dẫn đến nhu cầu mua sắm các mặt hàng mùa Đông của khách hàng không tăng cao như mọi năm.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng chia sẻ Black Friday đã mất đi ý nghĩa thực sự của ngày lễ mua sắm, khi nhiều cửa hàng lợi dụng các đợt khuyến mãi để nâng giá bán sản phẩm, hoặc quảng cáo giảm sâu từ 50-80% nhưng thực chất chỉ giảm 10-20%, khiến một bộ phận khách hàng mất niềm tin, dần không còn hứng thú với việc mua hàng giảm giá.../.