Cơn “cuồng si” các đồng tiền ảo dường như không có giới hạn khi giá trị của đồng tiền ảo bitcoin so với với đồng USD đã được nhân lên 10 lần kể từ đầu năm nay và 30.000 lần tính từ ngày 1/1/2011.
Phiên 30/11 là một phiên giao dịch biến động mạnh đối với đồng bitcoin, khi đồng tiền ảo này có thời điểm giảm xuống 9.000 USD, mất hơn 1/5 giá trị so với mức cao kỷ lục là 11.395 USD/bitcoin đạt được trong phiên 29/11.
Giá trị các đợt chào bán lần đầu đồng tiền ảo này ra công chúng (ICO), một hình thức kêu gọi vốn đầu tư phổ biến thông qua việc bán các mã “token” cho các nhà đầu tư, đã lên tới 3,5 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Đây là một xu hướng cần lưu tâm, trong đó nhà đầu tư là những đối tượng cần được bảo vệ, và các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các quỹ lương hưu cần tránh bị tổn thương trước những đồng tiền điện tử.
Trong bài viết đăng trên tờ The Financial Times, giáo sư Jean Tirole, Chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức tài trợ Jean-Jacques LAFFONT tại Trường Kinh tế Toulouse, đưa ra quan điểm rằng “blockchain,” nền tảng công nghệ được sử dụng để xây dựng bitcoin, không phải là điều đáng lo ngại.
['Đồng Bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của tài chính thế giới']
Công nghệ truyền tải số liệu an toàn dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp này có thể được coi là một sự đổi mới đáng hoan nghênh, với các ứng dụng hữu ích cho phép thực hiện các hợp đồng một cách nhanh chóng và tự động hóa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nằm ở chính những đồng tiền ảo. Bitcoin đặt ra hai vấn đề, một là tính bền vững của nó và khả năng đóng góp hay có lợi cho lợi ích chung.
Xét về mặt bền vững, bitcoin là một “bong bóng” đơn thuần, một tài sản không có giá trị nội tại, bởi giá trị của nó sẽ về con số 0 một khi lòng tin không còn. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những “bong bóng” thành công và trường tồn, chẳng hạn như vàng, một kim loại có giá trị vượt trội so với giá của nó xét trên phương diện là nguyên liệu thô và được sử dụng cho mục đích công nghiệp hoặc trang sức, hoặc thậm chí là đồng USD, bảng Anh hay đồng euro.
Dẫu vậy, lịch sử của các thị trường cho thấy nhiều “bong bóng” có kết thúc không có hậu như “bong bóng” hoa tulip Hà Lan những năm 1630 (khủng hoảng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận) và “bong bóng” cổ phiếu công ty South Sea ở Anh năm 1720, cùng vô số “bong bóng” thị trường chứng khoán và bất động sản khác. Tuy nhiên, không ai dám chắc về sự sụp đổ của bitcoin. Đồng tiền ảo này rất có thể trở thành một “vàng mới.”
Bitcoin có thể là một giấc mơ của những người theo chủ nghĩa tự do, nhưng nó thực sự là một vấn đề hóc búa cho bất cứ ai xem chính sách công như là một bổ sung cần thiết cho nền kinh tế thị trường. Đồng tiền này cũng trở thành một công cụ thường xuyên của những kẻ trốn thuế hay rửa tiền.
Trong khi đó, các cơn sốt ICO không mang lại sự bảo đảm nào khi nó bỏ qua các nguyên tắc cơ bản về tài chính, đó là sử dụng các trung gian tin cậy và vốn đầu tư dồi dào để giám sát các dự án. Để hỗ trợ về mặt tài chính cho các dự án ICO, các nhà tài trợ sẽ phát hành và giao "token" cho các nhà đầu tư.
“Token” được ví như cổ phiếu, nhưng khác biệt ở chỗ, những người sở hữu nó không được trao quyền bỏ phiếu. Hơn nữa, nếu chi trả cổ tức bằng các “token” thay vì bằng đồng USD, thì giá trị của chúng một ngày nào đó có thể về con số 0 bất kể các công ty thành công thế nào.
Các tiến bộ công nghệ có thể và sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các giao dịch tài chính, song cũng không vì thế mà xa rời các nền tảng cơ bản về kinh tế. Các chính phủ được khuyến cáo cần có các biện pháp bảo vệ công dân và các tổ chức tài chính của mình ứng phó với những diễn biến chứa đựng rủi ro hay có thể gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội./.