Ngày 31/10/2008 đánh dấu sự ra đời của bitcoin - đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới. Mười năm sau, bitcoin đang là "một thế lực" trong một hệ thống tài chính phức tạp mà các thị trường và giới đầu tư đều tỏ ra quan tâm và hứng thú một cách thận trọng.
Chặng đường 10 năm nhiều thăng trầm
Vào ngày 31/10/2008, bitcoin đã âm thầm ra mắt thế giới trong một tập tài liệu có tên là "Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng" do một người hoặc một nhóm người dưới bút danh Satoshi Nakamoto công bố.
Mục tiêu của Nakamoto là tạo ra một hệ thống có thể gửi các khoản thanh toán trực tiếp từ bên này sang bên khác mà không phải thông qua một tổ chức tài chính nào. Thực tế, bản báo cáo trên một kế hoạch tổng thể đầy tham vọng cho một loại tiền tệ được sử dụng trên toàn cầu mà không ngân hàng trung ương nào có thể kiểm soát và bất kỳ ai cũng có có thể tiếp cận.
Tham vọng này của Nakamoto đã được hối thúc bởi vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 9/2008, vụ việc được cho là làm mất uy tín của hệ thống ngân hàng truyền thống.
50 bitcoin đầu tiên được khai sinh vào lúc 18 giờ 15 phút (theo giờ GMT) ngày 3/1/2009. Chúng được gộp thành một đơn vị gọi là khối (block). Từ đó trở đi, mỗi khối mới được gắn liền với một khối đã đến trước nó, tạo ra một định nghĩa mà ngày nay thường được giới công nghệ gọi là một chuỗi khối (block chain).
Đến ngày 5/10 cùng năm, bitcoin lần đầu đầu tiên được định giá vào khoảng 0,00076 USD/bitcoin, sau khi khấu trừ chi phí sản xuất. Vào thời điểm đó, cách tốt nhất để kiếm bitcoin là "đào" chúng - về cơ bản nghĩa là sử dụng máy tính để giải quyết các bài toán khó nhằm “giải phóng” bitcoin từ một block.
Khi có ngày càng nhiều người "đào" bitcoin, các bài toán trở nên khó hơn, cũng như khiến chi phí đào đắt đỏ hơn.
Sau khi ra đời, bitcoin đã phát triển vài năm trong thầm lặng, nhưng cũng tạo được sức hút giới đam mê công nghệ và đặc biệt là tội phạm - những kẻ sau này đã sử dụng nó như một cách để rửa tiền.
Sau khi bitcoin vượt mức 1.000 USD lần đầu tiên vào năm 2013, nó bắt đầu thu hút sự chú ý của các tổ chức tài chính. Nhưng đến đầu năm 2014, đồng tiền điện tử này đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất tính đến hiện tại khi Mt.Gox, nơi có khoảng 80% trên tổng số bitcoin được giao dịch, bị tin tặc tấn công và mất lượng tiền điện tử có trị giá khoảng 477 triệu USD.
[Tiền ảo mất sức hấp dẫn cùng nguy cơ bị tội phạm lợi dụng]
Mt. Gox sau đó đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 2/2014 và người đứng đầu sàn giao dịch này vẫn đang bị cơ quan pháp luật Nhật Bản điều tra.
Hệ quả là giá trị của bitcoin sụp đổ, khiến nhiều chuyên gia trong giới công nghệ dự đoán đồng tiền ảo này sẽ bị “khai tử." Phải đến đầu năm 2017, giá trị của bitcoin mới hoàn toàn hồi phục, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu cho bước ngoặt của đồng tiền này.
Bitcoin khởi đầu năm 2017 ở quanh mức 1.000 USD nhưng tới cuối tháng 12 đã đạt giá trị hơn 19.500 USD/bitcoin. Điều này có nghĩa vào khoảng thời gian đó, tổng vốn hóa thị trường của bitcoin đạt hơn 300 tỷ USD, theo số liệu của chuyên trang tiền điện tử Coinmarketcap.
Đến tháng 1/2018, tổng giá trị của tất cả các đồng tiền điện tử trên thế giới đã vượt 800 tỷ USD, trước khi “bong bóng” vỡ.
Tương lai nào ở phía trước?
Sau một giai đoạn tăng giá được giới quan sát cho là "điên rồ," "bong bóng" bitcoin đã vỡ. Hiện bitcoin chỉ còn khoảng 6.300 USD/bitcoin so với mức kỷ lục hồi cuối năm 2017. Khối lượng giao dịch bitcoin cũng trở nên khiêm tốn hơn và những biến động giá cả cũng không mạnh mẽ như hồi đầu năm.
Một số nhà phân tích cho đây là dấu hiệu đồng tiền ảo này bắt đầu “trưởng thành,” một số khác lại nhận định thời kỳ của bitcoin sắp kết thúc.
Trước những biến động quá lớn của bitcoin, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) hồi đầu năm nay đã thông báo cấm sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh để giao dịch tiền ảo, cũng như cấm người nước ngoài và những nhà đầu tư không đủ tuổi mở tài khoản tiền ảo tại nước này.
Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã cấm huy động vốn thông qua việc tiền ảo. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cấm các trang web bán bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng lên tiếng cảnh báo người dân về rủi ro quá lớn của tiền điện tử.
Dù thế nào, không thể phủ nhận rằng lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số đã đạt nhiều tiến triển đáng kể nhờ vào bitcoin.
Viện dẫn rằng 2.000 đối thủ khác của bitcoin đã được sinh ra kể từ khi đồng tiền này “chào đời,” nhà phân tích thị trường tiền điện tử Bob McDowall cho rằng bitcoin không chỉ là một sự đổi mới về kinh tế và công nghệ, mà còn khai sinh một thế hệ tiền tệ mới trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Song cũng không thể gạt bỏ sự thật rằng bitcoin vẫn bị bủa vây bởi quá nhiều dư luận trái chiều. Tính phân quyền (decentralisation) của bitcoin vẫn bị đặt dấu hỏi khi toàn bộ quá trình "đào", trao đổi và phát triển bitcoin đều khá tập trung.
Trong khi đó nếu ý tưởng ban đầu là sử dụng bitcoin để tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán thuận lợi hơn, phần lớn các nhà quan sát chỉ ra rằng đồng tiền này trên hết được sử dụng như một kho chứa các thông tin giá trị, hoặc như một công cụ đầu cơ do những biến động mạnh về giá trị của nó.
Các nhà phát triển và đầu tư đang hy vọng bước đột phá tiếp theo của bitcoin sẽ đến một khi đồng tiền này được Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) chấp thuận cho mở quỹ ETF của riêng mình.
Nếu SEC thông qua đề xuất này, giá bitcoin sẽ tăng mạnh, đảm bảo triển vọng trong ngắn hạn cũng như danh tiếng của đồng tiền này trước các quỹ đầu tư khổng lồ.
Nhìn lại 10 năm thăng trầm của bitcoin, nhiều người có thể cho rằng đồng tiền này sẽ không tồn tại lâu hơn. Nhưng nhiều người ủng hộ bitcoin cho rằng vẫn còn quá sớm để phán xét khi công nghệ của bitcoin cần thêm 20 năm nữa để chứng tỏ bản thân.
Với xu thế phát triển như hiện tại, điều tất yếu là tiền tệ cũng sẽ dần được công nghệ hóa. Bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia kinh tế về hệ lụy của tiền ảo đối với nền kinh tế và xã hội nếu không được quản lý chặt chẽ, giới công nghệ vẫn đặt nhiều hy vọng vào tương lai của tiền điện tử mà bitcoin là một thế lực tiên phong./.