Dư âm sự việc đau lòng về vụ việc học sinh Trường quốc tế Gateway tử vong trên xe đưa đón của trường ngày 6/8/2019 còn chưa kịp lắng thì mới đây một học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm lại bị bỏ sót trên xe do sự tắc trách của cô phụ trách đưa đón và lái xe đã không đi xuống cuối xe để kiểm tra khi học sinh xuống xe.
Vụ việc học sinh Trường quốc tế Gateway tử vong trên xe đưa đón của trường đã tạo làn sóng dư luận mạnh mẽ, bên cạnh đó chính quyền và ngành chức năng cũng đã vào cuộc rốt ráo để rà soát, chấn chỉnh cũng như triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ôtô đưa đón học sinh.
Thế nhưng tại sao những vụ việc bỏ quên học sinh vẫn xảy ra đang là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh có con nhỏ đang hàng ngày gửi gắm sự an toàn tính mạng của con cái mình vào tay nhà trường, trong đó có nhân viên đưa đón.
Rất may, trường hợp học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm khi phát hiện bị bỏ quên trên xe, học sinh đã tự tìm cách mở cửa xe để vào lớp.
[Lại xảy ra bỏ quên học sinh trên ôtô, cơ quan chức năng Hà Nội nói gì?]
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), ngay khi có thông tin về sự cố học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã xuống làm việc với nhà trường, yêu cầu nhà trường xử lý nghiêm những người liên quan và rút kinh nghiệm nghiêm khắc về vấn đề này.
Tuy nhiên, qua sự việc trên cho thấy quy trình đưa đón học sinh ở các trường gọi là trường "điểm," trường "tiêu chuẩn quốc tế" vẫn còn những lỗ hổng "chết người."
Thông tin mới đây từ Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, sáng 14/9, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Đinh Núp (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Đội Thanh tra Giao thông Vận tải đường bộ đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 ôtô tham gia hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh của Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh do lỗi không ký hợp đồng vận chuyển.
Với lỗi này, mỗi lái xe và chủ xe bị phạt 8,5 triệu đồng; doanh nghiệp không có hợp đồng với nhà trường bị phạt ở mức 15,5 triệu đồng. Các xe vi phạm có biển kiểm soát 29B-155.55; 29B-070.73 và 29B-061.22.
Ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải Đường bộ, cho biết đơn vị đã làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu nhà trường chấn chỉnh hoạt động đưa đón học sinh; ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển. Đồng thời, yêu cầu đơn vị vận chuyển khi hoạt động trên đường, lái xe phải dừng đỗ xe gọn gàng để học sinh lên xuống xe bảo đảm an toàn giao thông.
Cùng đó, nhà trường phải nhắc nhở lái xe, nhân viên theo xe và học sinh bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID -19.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Văn bản số 4520/SGTVT-QLVT về việc quản lý hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện; chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định.
Sở cũng yêu cầu các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “Xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển...
Ngoài ra, chấm dứt hợp đồng và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ôtô.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu lực lượng Thanh tra Sở chỉ đạo các đội Thanh tra phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự - Công an Thành phố và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô.
Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng thường xuyên duy trì và thực hiện tốt chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Song song với đó, nghiêm cấm đưa các phương tiện không đủ điều kiện an toàn vào hoạt động; bố trí thời gian làm việc của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo đúng quy định.
Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải: không chở quá tải, tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe, không phóng nhanh vượt ẩu...
Ngoài ra, đơn vị vận tải và lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong vận chuyển hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng; có phương án đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe theo đúng quy định.
Theo rà soát của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, trên địa bàn có 1.634 xe đưa đón học sinh.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi năm học mới đã bắt đầu, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp trên nhằm quản lý tốt hơn nữa hoạt động vận chuyển đưa, đón học sinh, các nhà trường cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát cũng như tuân thủ chặt chẽ quy trình đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn các em học sinh theo tinh thần "Đi đến nơi, về đến chốn," tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên./.