Ngày 28/6, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, đã lên tiếng cảnh báo việc duy trì lãi suất thấp kéo dài là dấu hiệu cho thấy sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu và có thể gây ra tình trạng bất ổn.
Theo BIS, trong một năm qua, việc giá dầu giảm mạnh đã hỗ trợ đà tăng trưởng cho kinh tế thế giới. Song gánh nặng nợ và rủi ro tài chính trên toàn cầu vẫn ở mức cao, trong khi tăng trưởng sản xuất và hoạt động tài chính vẫn ở mức thấp. Báo cáo của BIS chỉ ra rằng trong dài hạn, tình trạng này sẽ dẫn tới sự bất ổn định và yếu kém triền miên.
Người đứng đầu phụ trách bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS Claudio Borio nhấn mạnh “triệu chứng rõ ràng nhất của căn bệnh” đình đốn chính là lãi suất siêu thấp mà nhiều ngân hàng áp dụng trong thời gian quá dài. BIS lưu ý mức lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn có nguy cơ làm suy yếu ngành tài chính và các hoạt động kinh tế trong bối cảnh lượng “tiền rẻ” sẽ dẫn tới việc làm gia tăng nợ và tạo ra những nguy cơ tài chính tiềm ẩn.
Hiện nay, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ ở trong biên độ từ 0-0,25%; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở mức 0,05%; Ngân hàng trung ương Anh 0,6% và Ngân hàng trung ương Nhật Bản 0,1%. Mặc dù Fed đang “rục rịch” tăng lãi suất, song tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và triển vọng tăng trưởng thiếu chắc chắn của kinh tế Mỹ đang khiến Fed tỏ ra cẩn trọng. Tuy nhiên, BIS cho rằng các nước cần sớm bình thường hóa chính sách lãi suất, để tránh những nguy cơ đối với tăng trưởng cũng như tài chính./.