BIS: Các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Mặc dù lãi suất tăng liên tục trong hơn 18 tháng qua, lạm phát tại nhiều nền kinh tế hàng đầu vẫn cao, trong khi lãi suất tăng gây ra các vụ phá sản ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Millbrae, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ngày 25/6 kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất, cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm quyết định, khi các nước nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Mặc dù lãi suất tăng liên tục trong hơn 18 tháng qua, lạm phát tại nhiều nền kinh tế hàng đầu vẫn cao, trong khi lãi suất tăng gây ra các vụ phá sản ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước. Đây là lần đầu tiên trên hầu khắp thế giới lạm phát tăng mạnh cùng lúc với những biến động về tài chính.

Tổng giám đốc BIS, Agustin Carstens, cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm quyết định. Những thách thức lớn phải được giải quyết. Thời kỳ chú trọng vào tăng trưởng ngắn hạn đã qua. Chính sách tiền tệ hiện phải khôi phục sự ổn định giá cả. Chính sách tài khóa phải được củng cố.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bảo vệ quan điểm cho rằng có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, bất chấp những lo ngại về tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Chủ tịch Fed nhận định các hộ gia đình của người lao động đang bị ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng do lạm phát cao, vì vậy, nước Mỹ cần đưa lạm phát trở lại mức 2%.

Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định cam kết kiểm soát lạm phát, ông Powell cho biết đa số các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ đều cảm thấy đã gần đạt được mục tiêu, song “sẽ phù hợp để tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay, và có thể là hai lần, với giả định tình hình nền kinh tế diễn ra đúng như kỳ vọng.”

Tuy nhiên, ông Powell cũng giải thích về cách tiếp cận của Fed trong những tháng tới khi các nhà hoạch định chính sách tranh luận về tốc độ tăng lãi suất.

[Liệu Fed có tăng lãi suất vào cuối tháng Bảy hay không?]

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp. Theo đó, ECB tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm.

Thông báo của ECB nêu rõ: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng điều hành sẽ đảm bảo rằng lãi suất chỉ đạo của ECB được tăng đến các mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%."

Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thấp hơn nhiều so với mức 2 chữ số vào thời điểm mùa Thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2%.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh tại thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, ông Claudio Borio, Trưởng bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS, nói thêm rằng lãi suất tại Anh cho thấy các ngân hàng trung ương đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất cơ bản từ 4,25% lên 4,5%, mức cao nhất trong gần 15 năm.

BoE cho biết việc tăng lãi suất từ 0,1% vào tháng 12/2021 lên 4,5% hiện nay vẫn chưa ảnh hưởng lớn tới các hộ đình khi chỉ có 30% số hộ chịu tác động hoàn toàn từ động thái này. Trong khi đó, thị trường tài chính dự báo chi phí vay sẽ tiếp tục tăng, và có thể lên mức gần 5%.

Theo BIS, lạm phát càng duy trì mức cao trong thời gian dài, việc thắt chặt chính sách càng cần mạnh hơn và trong thời gian dài hơn. BIS cảnh báo hiện lĩnh vực ngân hàng tiếp tục đối mặt với các vấn đề.

Ông Borio cho rằng nếu lãi suất tăng lên các mức vào giữa những năm 1990, gánh nặng lãi suất các khoản vay của các nền kinh tế lớn nhất là cao kỷ lục.

Về tình hình nền kinh tế, BIS nhận định khả năng hạ cánh mềm (với việc tăng lãi suất mà không gây suy thoái kinh tế hay khiến các ngân hàng lớn phá sản) là có thể, nhưng là một tình huống khó khăn.

Các nhà phân tích của Bank of America đã tính toán có 470 lần tăng lãi suất trên toàn cầu trong 2 năm qua, so với con số 1.202 lần hạ lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 500 điểm cơ bản từ mức gần 0%, Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng euro 400 điểm cơ bản và nhiều nền kinh tế đang phát triển còn tăng mạnh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục