Reuters/AFP/Trang mạng al-jazzera.com đưa tin ngày 10/12, Maroc đã trở thành quốc gia Arab thứ tư trong năm nay bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp ứng mục tiêu kéo dài nhiều thập kỷ qua của họ bằng cách ủng hộ chủ quyền đang tranh chấp của Maroc ở Tây Sahara.
Việc Maroc quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel đã mang lại cho Rabat bước tiến lớn nhất để hướng tới phần thưởng mà họ cho là có giá trị nhất: đó là sự công nhận của thế giới với tuyên bố chủ quyền của họ tại miền Tây Sahara.
Sự ủng hộ của Washington đối với chủ quyền của Maroc tại vùng lãnh thổ sa mạc thể hiện sự nhượng bộ chính sách lớn nhất mà Mỹ thực hiện cho đến nay nhằm kêu gọi sự công nhận của các nước Arab dành cho Israel.
Đối với Nhà vua Mohammed VI, điều đó đã giúp loại bỏ nỗi sợ hãi về việc kích động sự giận dữ của người dân Maroc, những người ủng hộ quyền của người Palestine hoặc làm tổn hại đến hình ảnh của ông với tư cách là "người bảo vệ sự thật" trong mắt của các nhân vật Hồi giáo bảo thủ qua việc thiết lập hòa bình với nhà nước Israel từng thôn tính Đông Jerusalem.
[Dư luận phản ứng về việc Israel và Maroc bình thường hóa quan hệ]
Trong một cuộc họp báo để công bố quyết định, Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita cảnh báo rằng: "Những người chỉ trích thỏa thuận này là đang chống lại chủ quyền của Maroc đối với Sahara."
Thỏa thuận này đạt được vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài ở Tây Sahara giữa Maroc và phong trào độc lập Mặt trận Polisario được Algeria hậu thuẫn, vốn một lần nữa bùng phát trở lại vào tháng trước sau 3 thập kỷ đình chiến.
Động thái của Mỹ dường như khó có thể dẫn đến việc các quốc gia phương Tây khác - hoặc Liên hợp quốc - từ bỏ lập trường từ lâu kêu gọi trưng cầu ý dân để giải quyết tranh chấp.
Liên hợp quốc cho biết lập trường của họ không thay đổi. Tuy nhiên, nó tiếp thêm động lực cho một chiến dịch ngoại giao của Rabat vốn đã đạt được động lực trong năm nay và cho đến nay đã chứng kiến 17 quốc gia châu Phi và Arập mở lãnh sự quán ở Tây Sahara.
Thêm một chiến thắng cho Israel
Ông Trump - người sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2021, bất chấp các nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử vừa qua ở Mỹ - đã có các bước tiến lịch sử kể từ tháng 9/2020 trong việc đưa Israel và các quốc gia Arab xích lại gần nhau.
Maroc đã theo gót Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan - các nước đã tham gia ký kết Hiệp định Abraham.
Nỗ lực này đã gây chia rẽ tình đoàn kết vững chắc một thời của các nước Arập ủng hộ cuộc đấu tranh nhằm giành được sự công nhận của quốc tế đối với một nhà nước của người Palestine, với việc các nước Arab vùng Vịnh nhận thấy lợi ích chung với Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Trump trong việc đối đầu với Iran.
Trước đây, chỉ có 2 nước láng giềng Ai Cập và Jordan thiết lập hòa bình với Israel và cho đến vài tháng trước, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng các quốc gia Arập khác sẽ công nhận Israel chừng nào ông Netanyahu không chịu nhượng bộ Palestine.
Tại Maroc, cung điện cho biết Nhà vua đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và đảm bảo rằng ông "sẽ không bao giờ từ bỏ vai trò của mình trong việc bảo vệ các quyền chính đáng của người dân Palestine.”
Hazem Qassem, phát ngôn viên của nhóm Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza, lên án động thái của Maroc là một "tội lỗi chính trị," điều sẽ khuyến khích sự chiếm đóng của Israel.
Marwan Bishara, nhà phân tích chính trị cấp cao của Al Jazeera, cho rằng tuyên bố hôm 10/12 là một ví dụ khác cho thấy “Mỹ là ‘lính đánh thuê ngoại giao’ đại diện cho Israel.”
Bishara nói: “Hãy gọi nó như đúng bản chất của nó - tuyên cáo của đế quốc. Cuối cùng, Washington đang sử dụng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới đại diện cho Israel, hay đúng hơn là Israel đang sử dụng sức mạnh của Mỹ vì lợi ích của chính họ ở Trung Đông.”
Phần thưởng lớn cho Maroc
Maroc chia sẻ các quan ngại của các nước Arab vùng Vịnh về Iran, và vào năm 2018, họ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel khi họ cáo buộc nhà nước tăng lữ này ủng hộ Mặt trận Polisario - các cáo buộc mà Tehran bác bỏ.
Tuy nhiên, Maroc đã giành được phần thưởng lớn qua việc công nhận Israel bởi ông Trump tuyên bố ủng hộ chủ quyền của họ đối với Tây Sahara, một vùng thuộc địa cũ của Tây Ban Nha bị tranh chấp trong hơn bốn thập kỷ qua.
Mặt trận Polisario, bao gồm những người Sahrawi địa phương và đã đấu tranh giành độc lập từ năm 1975-1991, đã đưa ra tuyên bố lên án “bằng những lời lẽ nặng nề nhất” nỗ lực của ông Trump để cung cấp cho Maroc "thứ vốn không thuộc về ông.”
Mặt trận Polisario, vốn đang tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết, đang nhận được sự hỗ trợ từ nước láng giềng Algeria, quốc gia cũng đón nhận hàng nghìn người Sahrawi tị nạn.
Maroc kiểm soát 80% khu vực tranh chấp, bao gồm cả các mỏ phốt phát và các vùng đánh bắt cá.
Jared Kushner, con rể của ông Trump và là đặc phái viên về Trung Đông, khẳng định: "Thành thật mà nói, hiện không có tiến triển nào về giải pháp. Chính quyền Trump hiểu được tính tất yếu của những gì đang diễn ra, nhưng họ cũng có thể phá vỡ thế bế tắc để giúp cải thiện các vấn đề ở Tây Sahara. Chúng tôi muốn người dân thuộc Mặt trận Polisario có cơ hội sống tốt hơn và Tổng thống (Trump) cảm thấy như xung đột này đang kìm hãm họ.”
Nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã từ chối bình luận.
Ông Biden ủng hộ sự công nhận của các nước Arab dành cho Israel nhưng những thay đổi ngoại giao lớn là điều hiếm khi xảy ra đối với một chính quyền sắp mãn nhiệm.
Tây Sahara đã nhận được sự quan tâm bất ngờ dưới thời cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của ông Trump.
Ông từng cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận do Liên hợp quốc dẫn đầu hồi những năm 1990.
Ông Bolton đã chỉ trích điều mà ông coi là sự ngoan cố của ông Maroc và đã thúc đẩy thành công các cuộc đàm phán mới, nhưng ông đã bị ông Trump sa thải hồi năm ngoái./.