Bình Thuận: Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Một trong những giải pháp quyết liệt để lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận ngăn chặt tàu cá vi phạm khai thác IUU là bắt buộc các tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Bình Thuận: Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài ảnh 1Tàu đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU (khai thác  hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), ngày từ đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan tập trung thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản 2017, xử lý nghiêm hành vi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tổ chức 6 lớp tuyên truyền/450 ngư dân, cấp phát 1.500 tờ rơi các loại; trong đó, tập trung đối tượng là các tàu cá khai thác xa bờ, các nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm IUU.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tổ chức 111 buổi tuyên truyền/16.190 lượt ngư dân tham gia, nội dung trọng tâm liên quan đến chống khai thác IUU, đặc biệt là không vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

[Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Bình Thuận kiểm tra doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản]

Tại các Ban quản lý Cảng cá định kỳ (3 buổi/tuần) tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, cấp phát nhật ký khai thác thủy sản, tờ rơi tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền trưởng và lao động biển.

Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận, thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước giảm dần qua các năm; đặc biệt trong gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021) không có tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay đã xảy ra 8 vụ/9 tàu/69 ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ.

Riêng 5 tháng đầu năm 2023, xảy ra 1 vụ/1 thuyền/7 lao động bị Malaysia bắt giữ.

Đáng lưu ý, các tàu cá vi phạm này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh ít khi về địa phương nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Một trong những giải pháp quyết liệt để ngăn chặt tàu cá vi phạm khai thác IUU là bắt buộc các tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Tính đến cuối tháng 5/2023, toàn tỉnh có 1.941/1.961 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 99%. Số tàu cá chưa thực hiện lắp đặt là 20 chiếc (gồm 14 tàu hư hỏng nằm bờ không còn khả năng hoạt động hoặc tàu cá chờ thi hành án, tranh chấp dân sự; 6 tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng).

Hiện nay, Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương làm việc với chủ tàu yêu cầu lắp đặt VMS, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã xử phạt 137 trường hợp vi phạm khai thác hải sản với số tiền hơn 900 triệu đồng, chủ yếu là các hành vi vi phạm như tàu cá hoạt động không đăng ký; sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác; không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng; tàu cá không thực hiện quy định về giám sát hành trình...

Tuy vậy, việc xử lý vi phạm khai thác IUU vẫn còn hạn chế, chưa nghiêm; nhiều hành vi vi phạm được EU khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; tàu cá mất kết nối VMS trên biển... còn phổ biến.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chống khai thác IUU, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chống khai thác IUU, trọng tâm là quản lý, kiểm soát đội tàu, hạn chế tối đa số lượng tàu cá bất hợp pháp.

Các đơn vị thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU tại cảng cá, nhất là giám sát sản lượng, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bình Thuận: Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài ảnh 2(Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh bạn, các lực lượng chức năng trên biển (Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư) để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh.

Trên cơ sở rà soát và báo cáo của Ủy ban Nhân dân cấp huyện về tàu cá thường xuyên hoạt động xuất bến ngoài tỉnh; chủ trì phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chuyến công tác đến các tỉnh có tàu cá của tỉnh đang lưu trú, hoạt động gặp gỡ trực tiếp chủ tàu/thuyền trưởng/lao động để tuyên truyền, vận động, đồng thời làm việc với cơ quan chức năng các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra tàu cá Bình Thuận hoạt động tại các tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng vùng biển thực hiện kiểm soát 100% tàu cá hoạt động xa bờ khi xuất bến, yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong từng chuyến biển; kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài đã phát hiện từ cuối năm 2020 đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục