Theo những bước chân thần tốc của các chiến sĩ giải phóng, cách đây 45 năm, ngày 19/4/1975, tỉnh Bình Thuận được giải phóng.
45 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đất và người Bình Thuận từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
“Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”
Sau thất bại ở Tây Nguyên, để giữ phần đất còn lại, địch sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào Vùng 3 chiến thuật, lấy Phan Rang làm “lá chắn” để bảo vệ Sài Gòn. Chúng điều Liên đoàn Biệt động quân số 24 từ Bình Tuy ra Phan Thiết và tăng cường nhiều đơn vị bộ binh, pháo binh nhằm cố thủ ở Bình Thuận.
Về phía ta, cục diện chiến trường có bước nhảy vọt khi Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy và Quân khu ủy Khu VI ra Chỉ thị: “Tình hình diễn biến rất thuận lợi cho ta, các tỉnh không được trông chờ ỷ lại chủ lực mà phải… xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình.”
[Bình Thuận - vùng đất đang trỗi dậy, điểm sáng trên bản đồ du lịch]
Thực hiện chỉ đạo trên, quân và dân Bình Thuận liên tục tiến công tiêu diệt địch, trong đó có Chi khu Ma Lâm-Thiện Giáo.
2 giờ 45 sáng ngày 8/4/1975, ta nổ súng tấn công Chi khu. Đến 21 giờ cùng ngày ta làm chủ Chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết. Đến ngày 13/4, ta giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ lộ 8, chia cắt Quốc lộ 1 ở nhiều đoạn quan trọng, dồn địch về Phan Thiết trong thế cô lập.
Sau khi đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, cùng với quân địa phương, đại quân ta tiến vào Bình Thuận. Quân chủ lực tiến đến đâu, quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang truy quét tề điệp, giải phóng xã, ấp mình đến đó.
Chiều 17/4, huyện Tuy Phong được giải phóng. Sáng 18/4 các huyện Hoà Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. Đêm 18/4, quân chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết.
Trưa 19/4/1975, trước sức mạnh thần tốc của quân ta, địch hoảng loạn tháo chạy, ta làm chủ và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng quê hương, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang.”
Bình Thuận vươn lên mạnh mẽ
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, hàn gắn vết thương chiến tranh, phấn đấu đi lên.
Từ một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, quanh năm khô hạn, đến nay sau 45 năm giải phóng, đặc biệt là sau 28 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã từng bước vươn lên, biến khó khăn, thách thức thành những lợi thế, tìm chọn hướng đi phù hợp để phát triển.
Từ một vùng đất đai cằn cỗi, tứ bề chỉ có nắng và gió, Bình Thuận hôm nay được biết đến là “thủ phủ” thanh long của cả nước, một địa điểm du lịch nổi tiếng và hướng tới trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.
Trong những năm gần đây, kinh tế của Bình Thuận giữ vững đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2019 tăng 11,09%, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân tiếp tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 43,6 triệu đồng/năm. Công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm.
Nếu trước đây, Bình Thuận nhiều nắng, gió, ít mưa… từng là điều bất lợi “kìm chế” sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thì nay, chính những điều đó đã được biến thành thế mạnh, tiềm năng để Bình Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhất là điện mặt trời, điện gió và tương lai không xa là điện gió ngoài khơi.
Từ 2017 đến nay, năng lượng tái tạo đã trở thành lĩnh vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là ở khu vực phía Bắc tỉnh như huyện Bắc Bình, Tuy Phong…
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (trong đó có 88 dự án điện Mặt Trời và 20 dự án điện gió) với tổng công suất khoảng 6.800 MWp và tổng vốn đầu tư gần 176 nghìn tỷ đồng.
Với nhiều bãi biển đẹp, khí hậu ôn hòa, những điểm tham quan hấp dẫn, đậm chất văn hóa lịch sử bản địa, Bình Thuận đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Trong đó Mũi Né với vẻ đẹp tuyệt mỹ của những bãi cát trắng dài hút tầm mắt, nức tiếng với nhiều resort chất lượng đã và đang tạo sức hút mạnh với du khách quốc tế. Năm 2019, tổng lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 6,4 triệu lượt (tăng 12% so với năm 2018).
Bình Thuận ngày nay với nhiều đổi thay, đã và đang khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, phấn đấu xây dựng Bình Thuận trở thành một tỉnh có trình độ phát triển cao trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ./.