Bình Thuận - ký ức tháng 4 năm 1975 và hình ảnh vùng đất đang trỗi dậy

Bình Thuận - vùng đất đang trỗi dậy, điểm sáng trên bản đồ du lịch

45 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến với một vùng đất đang trỗi dậy, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng của cả nước; là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Bình Thuận - vùng đất đang trỗi dậy, điểm sáng trên bản đồ du lịch ảnh 1Nhân dân thị xã Phan Thiết (Bình Thuận) vừa được giải phóng theo dõi tin chiến thắng trên bản đồ chiến sự tại phòng thông tin thị xã (tháng 4/1975). (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

Chiến thắng 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết (Bình Thuận) đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc chói lọi, làm thay đổi cục diện và tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

45 năm qua, Bình Thuận đã "thay da đổi thịt," vươn mình phát triển đầy ấn tượng. Quân và dân Bình Thuận tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với truyền thống yêu nước vẻ vang của vùng đất kiên cường.

Ký ức về những ngày tháng Tư rực lửa

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong ký ức của Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 482, lực lượng trực tiếp chiến đấu giải phóng thị xã Phan Thiết, Bình Thuận vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn như mới vừa xảy ra hôm qua.

“Đối với những người lính như chúng tôi, những năm tháng kháng chiến hào hùng, khí thế đấu tranh và giây phút hạnh phúc khi quê hương được giải phóng đã trở thành những ký ức mãi mãi không thể nào quên," người lính năm xưa chia sẻ.

Sau khi Phan Rang (Ninh Thuận) thất thủ, Phan Thiết (Bình Thuận) trở thành chốt chặn tiền tiêu của chính quyền Sài Gòn từ hướng Đông.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Quân khu VI và Quân khu VII quyết định mở chiến dịch Hoài Đức-Tánh Linh, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã liên tục mở rộng diện tấn công địch, góp phần tạo thế, tạo thời cơ để phối hợp với quân chủ lực giành thắng lợi quyết định, giải phóng 2 huyện Tánh Linh, Hoài Đức và làm chủ nhiều vùng nông thôn ở huyện Hàm Thuận, tạo một vành đai ép dồn địch vào các trung tâm thị xã, thị trấn.

Đầu tháng 4/1975, khi cục diện chiến trường đang có lợi cho quân ta, chớp thời cơ, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm giải phóng Chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm). Đây được xác định là quyết chiến cuối cùng để áp sát vào Phan Thiết, mở màn cho quân ta giải phóng Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận.

Như sống lại những năm tháng hào hùng, ông Nguyễn Thành Tâm kể lại trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, rạng sáng 8/4, Trung đoàn 812 Quân khu VI phối hợp với Tiểu đoàn 482 cùng một số lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt đánh vào Chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm).

Sau gần 1 ngày chiến đấu ác liệt, ta làm chủ chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, làm cho hệ thống đồn bót của địch rúng động. Địch chống cự quyết liệt, tung nhiều tiểu đoàn với sự chi viện của pháo binh, máy bay phản kích song đều bị quân ta đẩy lùi.

Thế và lực của ta càng lúc càng mạnh, thời cơ giải phóng quê hương đã đến. Từ ngày 10-13/4, quân ta tiếp tục đánh chiếm một số mục tiêu then chốt, ta đã giải phóng được một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ luôn tỉnh lộ 8, chia cắt Quốc lộ 1A ở nhiều đoạn quan trọng, dồn dịch về Phan Thiết trong thế bị cô lập.

Đến 20 giờ ngày 18/4, quân ta vượt qua cầu Phú Long tấn công vào Phan Thiết bằng 3 mũi tiến công.

Mũi chủ yếu theo đường 1 đánh vào tiểu khu tòa hành chính. Mũi thứ 2 đánh vào Phú Long theo đường Phước Thiện Xuân vòng xuống Phú Hài đánh chiếm Lầu ông Hoàng chặn địch rút chạy về Mũi Né. Mũi thứ 3 lách tất cả mục tiêu trong thị xã theo đường 1 vòng lên đánh chiếm Căng Êsêpic.

Khi xe tăng của ta xông vào chặn đánh trước cổng Sở chỉ huy tiểu khu và tòa hành chính thì địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn.

9 giờ ngày 19/4, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Quân ta lần lượt đánh chiếm và giải phóng những địa phương còn lại của tỉnh.

Trong vòng hơn 10 ngày, quân và dân Bình Thuận đã chớp thời cơ, phối hợp với quân và dân toàn chiến trường miền Nam tiến công chia cắt địch, đập tan toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch và giải phóng hoàn toàn quê hương; cùng quân dân cả nước tổng tấn công, thực hiện trọn vẹn mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ông Tâm kể lại: Niềm vui của ngày giải phóng thật khó để diễn tả hết. Nó vừa lâng lâng niềm tự hào dân tộc vừa vỡ òa hạnh phúc nhưng nước mắt lại thì lại chực trào. Bao nhiêu năm vất vả, nếm mật nằm gai, bom dày đạn xéo bỗng chốc tiêu tan hết. Rừng cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường Phan Thiết; người dân vui như ngày hội, hồ hởi đón chào quân giải phóng.

Sau 45 năm xây dựng và phát triển

Nếu như trong kháng chiến, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất kiên trung của miền cực Nam Trung Bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 45 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến với một vùng đất đang “trỗi dậy,” hướng tới trở thành trung tâm năng lượng của cả nước; là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Sau giải phóng, với cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, hạn hán liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống người dân của Bình Thuận gặp nhiều khó khăn.

[Bình Thuận cơ cấu lại thị trường khách để phát triển du lịch bền vững]

Song Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên.

Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa… đã được đầu tư xây dựng. Những năm gần đây, khi chương trình xây dựng nông thôn nhận được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân được đầu tư, tạo bước đột phá ở vùng nông thôn của tỉnh.

Bình Thuận - vùng đất đang trỗi dậy, điểm sáng trên bản đồ du lịch ảnh 2Một góc khu dân cư mới xây dựng phát triển tại phường Xuân An, thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh đã từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng có lợi thế kết hợp với liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt là cây thanh long và cây lúa…

Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm nội địa) năm 2019 của Bình Thuận tăng 11,09%, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách Nhà nước năm 2019 đạt 13.200 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa là 9.400 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân tiếp tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 43,6 triệu đồng/năm. Công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm.

Nếu trước đây, Bình Thuận nhiều nắng, gió, ít mưa… từng là điều bất lợi “kìm chế” sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thì nay, chính những điều đó đã được biến thành thế mạnh, tiềm năng để Bình Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhất là điện mặt trời, điện gió và tương lai không xa là điện gió ngoài khơi.

Từ 2017 đến nay, năng lượng tái tạo đã trở thành lĩnh vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhất là ở khu vực phía Bắc tỉnh như huyện Bắc Bình, Tuy Phong…

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 100 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (trong đó có 88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió) với tổng công suất khoảng 6.800 MWp và tổng vốn đầu tư gần 176 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, Bình Thuận tập trung khai thác thế mạnh và đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sau gần 25 năm hình thành và phát triển, du lịch Mũi Né-Bình Thuận đã khẳng định là một thương hiệu “du lịch biển” hấp dẫn của quốc gia, là lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế.

Bình Thuận - vùng đất đang trỗi dậy, điểm sáng trên bản đồ du lịch ảnh 3Một góc khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2019, tổng lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 6,4 triệu lượt (tăng 12% so với năm 2018). Doanh thu từ du lịch đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Toàn tỉnh hiện có 388 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 69.000 tỷ đồng.

Được sống và làm việc tại Bình Thuận gần 45 năm qua, bà Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận vui mừng khi thấy quê hương thay da đổi thịt từng ngày.

Bà chia sẻ nếu như lúc mới giải phóng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn vì hậu quả của chiến tranh để lại thì hôm nay, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc.

Không chỉ có kinh tế phát triển mà mọi mặt như giáo dục, y tế, văn hóa… đều được quan tâm và phát triển đồng đều, trong đó phải kể đến các chính sách của tỉnh dành cho người có công với cách mạng và chính sách giảm nghèo bền vững.

Chứng kiến một chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của quê hương, Đại tá Nguyễn Thành Tâm khẳng định: "Những thành quả có được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và sự chung tay xây dựng của các thế hệ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Bình Thuận. Chúng tôi rất tự hào về quá khứ, vui mừng trước hiện tại và tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, luôn kiên định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu mạnh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục