Bình Thuận và Phú Yên công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Để dập dịch, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc thường xuyên, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh.
Nông dân chăm sóc đàn lợn theo mô hình VietGap. (Ảnh: TTXVN)

Sau 5 tháng xuất hiện virus dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn, đến nay, nhiều xã, phường, trị trấn trong tỉnh Bình Thuận đã kiểm soát và công bố hết bệnh dịch.

Nhận thức phòng chống dịch của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ và mua bán lợn và sản phẩm thịt lợn đã có chuyển biến và nâng cao so với trước đây.

Tính đến giữa tháng 11 này, toàn tỉnh có 9 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi gồm: xã La Dạ, xã Hàm Chính ở huyện Hàm Thuận Bắc; xã Tân Hải, Bình Tân, Tân Bình, Phước Lộc, Phước Hội ở thị xã La Gi; xã Sông Phan và thị trấn Tân Nghĩa ở huyện Hàm Tân.

Ngoài ra, trong vòng 30 ngày qua trên địa bàn có 10 xã không phát sinh ổ dịch mới. Các huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Phú Quý là các địa phương chưa phát sinh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, mặc dù, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng giảm nhưng mức độ giảm còn chậm và xuất hiện rải rác tại những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Vì vậy, ngoài việc tập trung triển khai các biện pháp dập dịch, tỉnh đang khuyến cáo người chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Để dập dịch, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc thường xuyên, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh phòng dịch.

Các địa phương cũng bám sát từng địa bàn, đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đồng thời quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y để tránh lây lan dịch bệnh.

Song song với việc duy trì các chốt kiểm dịch tạm thời để đảm bảo kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là lợn ra vào tỉnh và ra vào vùng dịch, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, chăn nuôi chủ động triển khai tổng hợp các nhóm giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đã được công nhận lưu hành, đã kiểm chứng trên thực tế có tác dụng trong phòng chống bệnh.

Hiện nay, các huyện đang khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang một số loại con nuôi khác như bò, gà, vịt, thủy sản... để đáp ứng bù sản lượng thịt từ lợn do bệnh dịch tả châu Phi và cân đối cung cầu thực phẩm, bảo đảm sinh kế cho người nông dân.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố còn dịch, nhất là hai vùng chăn nuôi trọng điểm huyện Đức Linh và Tánh Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu chính quyền địa phương cần tổ chức khuyến cáo thường xuyên đến người chăn nuôi không được tái đàn trong giai đoạn hiện nay vì nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh còn rất cao.

Từ khi xuất hiện cho đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tại 47 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Toàn tỉnh đã tiến hành tiêu hủy hơn 40.000 con lợn của hơn 2.000 hộ chăn nuôi với trọng lượng tiêu hủy 2.500 tấn.

Tỉnh Bình Thuận đã tiến hành hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Theo Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Phú Yên, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không có lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi nhưng nay đã tái phát trở lại.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Lâm cho biết, đến ngày 20/11 có 14/41 xã thuộc địa bàn tỉnh đã hết dịch tả lợn châu Phi (qua 30 ngày nhưng không tái phát bệnh).

Riêng tại 5 xã An Phú, Bình Kiến (thành phố Tuy Hòa), Hòa An (huyện Phú Hòa), Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) và Ea Bar (huyện Sông Hinh) dịch đã qua 30 ngày nhưng nay tái phát trở lại.

Nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp là do thời tiết trên địa bàn bước vào mùa mưa lũ, không khí lạnh tăng cường làm giảm sức đề kháng vật nuôi; gần dịp Tết Nguyên đán người dân tái đàn để chăn nuôi trong khi dịch bệnh chưa được khống chế, khó kiểm soát và không có vắcxin phòng điều trị bệnh.

Cán bộ thú y lấy mẫu huyết thanh lợn để gửi xét nghiệm dịch bệnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Phú Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không giấu dịch, không vứt xác lợn ra kênh, rạch, nguồn nước, triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Tỉnh đã thành lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời thuộc địa bàn các huyện: Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn từ các vùng có dịch vào địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ lợn, xử lý tình trạng vứt xác ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh; các huyện, thị xã, thành phố được cấp 34.000 lít thuốc sát trùng để tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định tạm ứng ngân sách năm 2019 với kinh phí 2,358 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương như: huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa, Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính kiểm tra, hướng dẫn các địa phương cân đối, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên Đào Lý Nhĩ cho biết, từ tháng Sáu đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 41 xã trên cả 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng đàn lợn tiêu hủy 2.338 con của 376 hộ chăn nuôi.

So với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên có đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy thấp nhất. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh không chủ quan trong việc “tái đàn.”

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc vùng không đảm bảo an toàn về dịch bệnh và những địa phương mới hết dịch bệnh tuyệt đối không được tái đàn; tiếp tục khử trùng môi trường chuồng trại nhằm hạn chế tái phát lây lan dịch bệnh.

Riêng đối với địa phương có vùng chăn khép kín, đảm bảo an dịch bệnh và điều kiện được tái đàn cũng cần lựa chọn kỹ lưỡng về nguồn gốc con giống tại những cơ sở uy tín được cơ quan thú y giám sát, kiểm tra; đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế bùng phát, lây lan dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục