Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2022, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ,” tập trung giải quyết vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư.
Mặt khác, tỉnh khuyến khích các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao đầu tư vào các khu công nghiệp, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
[Sức bật cho du lịch Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm]
Đặc biệt, tỉnh tận dụng được lợi thế của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Bình Thuận để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng logistics tạo giá trị cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Mục tiêu của tỉnh là ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia.
Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển tỉnh thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch đến tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý đảm bảo tuyệt đối các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển cho toàn tỉnh.
Bình Thuận kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm, nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch...), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao...
Để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai các chương trình giao thông liên vùng, phục vụ thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Phan Thiết giáp tỉnh Đồng Nai, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55; đầu tư hoàn thành Cảng hàng không Phan Thiết..., nâng cấp các tuyến đường ven biển, tạo ra hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Song song đó, các đơn vị tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư về phối hợp với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung trong việc chọn lựa dự án mời gọi đầu tư, nhất là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và du lịch dịch vụ.
Trong thời gian qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư vào tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch.
Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.593 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất 50.000ha và tổng vốn đầu tư khoảng 330.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực du lịch có khoảng 400 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất 6.300ha.
Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông liên vùng được cải thiện với nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai như Quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết-Nha Trang, Cảng hàng không Phan Thiết, tàu lửa du lịch cũng đã kết nối Thành Phố Hồ Chí Minh-Phan Thiết... Bình Thuận đang kỳ vọng thu hút đầu tư nhiều dự án quy mô lớn vào tỉnh nhà./.