Bình Thuận: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 17,55%

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận hơn 4.700 tỷ đồng, tuy nhiên giải ngân đến hết tháng 5/2024 mới  chỉ đạt 17,55% so với kế hoạch, xếp thứ 48/63 tỉnh thành trong cả nước.

Bờ biển phía Bắc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) dự kiến sẽ được triển khai xây kè ngăn chặn tình trạng xâm thực. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Bờ biển phía Bắc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) dự kiến sẽ được triển khai xây kè ngăn chặn tình trạng xâm thực. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trong 5 tháng đầu năm 2024, dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng nhiều cố gắng của các đơn vị liên quan nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn rất thấp.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thấy năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận hơn 4.700 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết tháng 5/2024 chỉ đạt 17,55% so với kế hoạch, xếp thứ 48/63 tỉnh thành trong cả nước; một số đơn vị vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp chủ yếu tập trung ở việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư.

Cùng đó, việc chuẩn bị đầu tư dự án còn nhiều hạn chế, việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công; một số dự án chậm tiến độ do phát sinh nội dung, hạng mục phải điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư. Bên cạnh đó, giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án…

Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ 95%, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần nắm vững, bám sát tình hình thực tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá việc triển khai để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, có giải pháp quyết liệt đối với các đơn vị thi công chậm tiến độ hợp đồng đã ký; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2021, bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan để được hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh để đủ điều kiện bố trí vốn hàng năm theo quy định.

Đối các dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2024 để triển khai thực hiện thi công nhưng tiến độ chậm, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chủ động liên hệ với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thẩm định thiết kế kỹ thuật-dự toán đo đạc địa chính để sớm có mặt bằng thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục