Nhiều diện tích lúa, hoa màu của Bình Thuận bị ngập úng do mưa lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và gió mùa Tây Nam mạnh, địa bàn huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận xảy ra mưa lớn kéo dài đã gây đổ ngã, ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa màu.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, từ ngày 7/10 đến ngày 18/10, địa bàn huyện Đức Linh xảy ra mưa lớn kéo dài, nước từ khu vực xã Đức Phú, Nghị Đức và thượng nguồn đổ về nhiều, mực nước sông La Ngà cao nên nước trong đồng thoát ra không được, gây đổ ngã, ngập úng một số diện tích lúa mới sạ từ 3-15 ngày tuổi và lúa đang làm đòng.
Bên cạnh đó, ngày 15/10, hồ thủy điện Hàm Thuận điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng 25 m3/s, cộng với lưu lượng chạy máy phát điện hàng ngày (24/24 giờ) là 125m3/s, tổng lượng nước về hạ lưu sông La Ngà là 150m3/s, làm mực nước sông duy trì ở mức cao, nước ngập trong các cánh đồng sản xuất không tiêu thoát ra sông được; thời gian ngập úng kéo dài.
Người dân đã được cảnh báo tình hình thời tiết trong tháng sẽ có mưa, khả năng xảy ra ngập lụt trên diện rộng để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Tuy nhiên, đây là mùa vụ gieo trồng vụ Mùa, các hộ dân đã xuống giống vụ Mùa nên khi có mưa, nhất là ở thượng nguồn các sông, suối đổ về vùng đồng bằng, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp, các hệ thống kênh tiêu thoát không kịp làm ngập úng một số diện tích lúa mới gieo sạ là không tránh khỏi.
Theo thống kê, tính đến ngày 18/10, tổng diện tích bị ngập lụt là 1.250ha; trong đó hơn 1.130ha lúa; 68ha diện tích nuôi trồng nông nghiệp-thủy sản sen-cá bị ảnh hưởng. Một số xã bị thiệt hại nặng như Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu, thị trấn Võ Xu… Ước giá trị thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
[Trung Bộ tiếp tục mưa to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất]
Ngay sau khi mưa lũ, ngập lụt xảy ra, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các khu vực bị ngập lụt và hướng dẫn, bàn các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, triển khai khơi thông dòng chảy, kênh tiêu thoát lũ, tạo thoát nước nhanh, giảm tối đa thiệt hại về sản xuất ngay sau khi lũ rút.
Thanh Hóa: Sạt lở trên Quốc lộ 15C, huyện Mường Lát bị chia cắt
Ngày 19/10, khối đất đá ước khoảng 20.000 tấn đã sạt xuống Quốc lộ 15C, đoạn qua bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, khiến huyện này bị chia cắt với các huyện miền xuôi.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng Quân đội, Công an đã huy động nhân lực, máy móc, có mặt tại hiện trường, tập trung khắc phục sự cố.
Lực lượng Biên phòng phối hợp với Cảnh sát Giao thông, Ủy ban Nhân dân xã Nhi Sơn tổ chức chốt chặn, phân luồng giao thông, đồng thời cắm biển cảnh báo sạt lở để người dân không đến khu vực nguy hiểm này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát cho biết, do những ngày qua, mưa lớn liên tục diễn ra trên địa bàn, đất đã thấm đủ nước, dẫn đến sạt lở.
Hiện nay, địa phương đang huy động tối đa các lực lượng để giải phóng lượng lớn đất đá, nhằm sớm thông tuyến Quốc lộ 15C. Tuy nhiên với khối lượng đất đá sạt lớn như vậy, ít nhất phải mất 1-2 ngày mới thông tuyến được.
Để lên được Mường Lát, người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông phải đi theo Quốc lộ 16, qua cầu Chiềng Nưa, rồi đi theo Tỉnh lộ 521D để lên Mường Lát.
Quốc lộ 15C là tuyến đường huyết mạch nối huyện miền núi Mường Lát với miền xuôi của tỉnh Thanh Hóa. Mùa mưa bão hàng năm, thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở trên tuyến đường này.
Quảng Nam: Sóng biển lớn gây đe dọa hàng chục hồ nuôi tôm ở xã đảo Tam Hải
Sáng 19/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Tấn Hùng cho biết, trong các trận mưa bão năm 2021, nhất là đợt mưa to và sóng biển lớn trong ba ngày qua đã khiến gần 40 hồ nuôi tôm của người dân trong xã, trong đó tập trung ở thôn Bình Trung bị đe dọa nghiêm trọng. 7 hồ đã bị sóng biển và triều cường gây bồi lấp và sạt lở nặng. Ước thiệt hại về hạ tầng của mỗi hồ tôm từ 300-400 triệu đồng.
Sóng biển và triều cường đã khiến nhiều bờ kè tạm làm bằng bao tải cát của người dân đắp lên để nuôi trồng thủy sản bị triều cuốn trôi. Nhiều hồ nuôi tôm bị sóng biển san phẳng.
Tại thôn Bình Trung, để phòng ngừa thiệt hại do sóng biển và triều cường gây ra, chính quyền địa phương đã di chuyển 30 hộ ở những khu vực thường xuyên chịu tác động của triều cường và sóng biển đến nơi tái định cư an toàn.
Tuy nhiên, khu vực này nếu không được xây kè chắn sóng, không bao lâu nữa đất sản xuất ở đây sẽ bị sóng biển cuốn trôi.
Ngoài khu vực thôn Bình Trung, sóng biển tiếp tục gây xói lở nặng ở khu vực thôn Thuận An, kéo dài hơn 700 mét, nơi có gần 70 hộ dân cư đang sinh sống. Nhiều nhà ở của người dân thôn Thuận An chỉ còn cách mép nước biển 200 mét.
“Vì khả năng ứng phó, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển của địa phương cóhan, xã Tam Hải đã báo cáo chi tiết về tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng lên cấp trên để tiếp tục có hướng xử lý triệt để,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết thêm./.