Bình Thuận: Kinh tế phục hồi trên 3 trụ cột, du lịch phát triển mạnh

Du lịch là một trong những lĩnh vực phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh Bình Thuận trong năm 2022, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Du khách thích thú trải nghiệm dù lượn mạo hiểm tại Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Chiều 29/12, Cục Thống kê Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.

Trong năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận có bước phát triển tích cực, nhiều chỉ tiêu dần phục hồi và tăng trưởng khá; tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19.

Ông Phạm Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Bình Thuận, cho biết kết quả nổi bật trong năm 2022 là kinh tế tỉnh phục hồi trên cả 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,75% so với năm 2021.

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5%; công nghiệp xây dựng tăng 6,66%; dịch vụ tăng 14,88%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 10.900 tỷ đồng (đạt 129% dự toán).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất thực hiện hơn 39.000 tỷ đồng, tăng 9,36% so với năm trước.

Du lịch là một trong những lĩnh vực phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhất tỉnh. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nên chất lượng phục vụ khách được đảm bảo, tính chuyên nghiệp ngày càng cao.

Trong năm 2022, khách du lịch đến Bình Thuận đạt 5,7 triệu lượt khách, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (lượng khách quốc tế đạt 87.000 lượt khách, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

[Bình Thuận chuẩn bị các điều kiện tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023]

Tuy nhiên, trong năm 2022 tình hình kinh tế-xã hội tỉnh còn một số những khó khăn, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá cả vật tư, xăng, dầu tăng cao.

Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là thanh long. Tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh gây hại...

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Theo đó, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Mục tiêu đề ra là tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế; bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.

Trong năm 2023, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm nội tỉnh tăng từ 7,0-7,2%. Đối với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản dự kiến tăng khoảng 2,5%; nhóm ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 9%; dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 10.000 tỷ đồng…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị về công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để tranh thủ vận động đàm phán các dự án ODA; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục