Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Thuận vừa thông tin về trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết. Đó là bệnh nhân nữ, sinh năm 1972, trú tại tổ 3, thôn 7, xã Nam Chính, huyện Đức Linh.
Ngày 30/7, bệnh nhân khởi phát sốt với triệu chứng đau đầu, sốt, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân đến phòng khám tư nhân gần nhà, được chẩn đoán rối loạn tiền đình, uống thuốc không rõ loại.
Không thấy giảm bệnh, ngày 2/8, bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân khác và cho thuốc uống (không rõ loại).
Đến ngày 4/8, bệnh nhân vẫn không thấy giảm nên nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam.
Ngày 5/8, bác sỹ chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết Dengue. Sáng 7/8, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và bệnh nhân tử vong lúc 21 giờ 40 phút cùng ngày.
[Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết chỉ trong một tuần]
Chẩn đoán tại Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng (thể sốc, suy đa tạng, tràn dịch đa màng, toan chuyển hóa), viêm phổi do vi khuẩn không đặc hiệu, bệnh lý tăng huyết áp.
Kết quả điều tra thực địa cho thấy bệnh nhân sinh sống, làm việc tại địa phương, không đi xa; khu vực bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân chưa phát hiện trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết.
Điều tra véctơ khu vực nhà bệnh nhân, chỉ số liên quan hoạt động của muỗi Aedes Aegypti thấp nhưng chỉ số lăng quăng vẫn ở mức nguy cơ.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong nói trên, Trung tâm Y tế Đức Linh đã phun hóa chất xử lý ổ bệnh và cùng với chính quyền xã Nam Chính thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân tại địa phương…
Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh sốt xuất huyết ở Bình Thuận có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.490 ca mắc. đa phần số ca mắc thuộc nhóm người dưới 15 tuổi. Các địa phương có số ca mắc cao là Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh…
Theo CDC Bình Thuận, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tham mưu thực hiện các hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động cũng như kiểm tra, giám sát lăng quăng tại các địa phương; phát hiện và xử lý các ổ dịch, ổ bệnh kịp thời.
CDC phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tuyên truyền cách nhận biết và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết… trong cộng đồng.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, ý thức phòng bệnh của mỗi người dân là vaccine hữu hiệu nhất.
Ngành Y tế Bình Thuận khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng những việc làm đơn giản như dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi; đậy kín lu, hồ, dụng cụ chứa nước; sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi, mặc áo quần dài tay… và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.
Trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.