Tỉnh Bình Thuận bắt đầu bước vào mùa du lịch cao điểm đón khách nước ngoài, nhất là khách Nga đến nghỉ Đông.
Nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận thân thiện, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành du lịch Bình Thuận đang tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn trên địa bàn tỉnh.
Với khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm, sản phẩm du lịch đa dạng, nhất là các loại hình thể thao biển, du lịch biển Bình Thuận thu hút một lượng lớn khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng.
Riêng du khách đến từ Nga hiện chiếm 1/3 lượng khách quốc tế và liên tục tăng qua các năm, trong chín tháng đầu năm 2014 đạt 90.500 lượt người.
Cùng với lượng khách đến ngày càng tăng, thời gian lưu trú của du khách Nga cũng ngày càng dài hơn, bình quân lưu trú 7-30 ngày/khách.
Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết việc đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện được tỉnh Bình Thuận xác định là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao.
Tại các địa điểm có đông khách du lịch, Sở chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập trạm thông tin hỗ trợ du khách, thông qua số điện thoại đường dây nóng kịp thời tiếp nhận và xử lý phản ảnh, kiến nghị của khách du lịch về mọi vấn đề chẳng hạn như hỗ trợ tìm kiếm khách sạn, thông tin các điểm đến, phản ánh nạn chặt chém, chèo kéo khách…; đồng thời tăng cường kiểm tra tại các khu du lịch trọng điểm như Mũi Né, La Gi, Hòn Rơm… để đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và tránh tình trạng chặt chém du khách vào mùa cao điểm, hướng cộng đồng và doanh nghiệp xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp, xanh và bề vững.
Một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực du lịch, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường khách Nga trong thời gian tới.
Ngoài việc trang bị tiếng Anh, tiếng Nga, ngành du lịch Bình Thuận còn thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch về các lĩnh vực như văn hóa, phong tục tập quán, phong cách ứng xử, giao tiếp của du khách Nga để luôn sẵn sàng đón tiếp, phục vụ tốt nhất và làm hài lòng mọi đối tượng du khách.
Bên cạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch thế mạnh trên biển như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp thể thao khám phá, phát triển các sản phẩm dịch vụ bổ trợ…, ngành du lịch Bình Thuận đang đầu tư và khai thác các tiềm năng du lịch mới để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách như: du lịch mạo hiểm núi Tà Cú, du lịch sinh thái Thác Bà, du lịch kết hợp chơi golf, du lịch hội nghị sự kiện, du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, ẩm thực của đồng bào Chăm…
Song song đó, Bình Thuận tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận để tạo ra các sản phẩm du lịch vùng, sản phẩm liên kết tuyến du lịch như Chợ Bến Thành-Hoa Đà Lạt-Biển Mũi Né, liên tuyến biển rừng Mũi Né-Đà Lạt, con đường ven biển Vũng Tàu-Mũi Né-Nha Trang…
Kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ du lịch cũng đang được tỉnh Bình Thuận quan tâm và đầu tư phát triển để tạo sự đồng bộ. Khi hoàn thành việc mở rộng, Quốc lộ 1A sẽ kết nối với đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây, rút gắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận.
Bình Thuận đang gấp rút kêu gọi đầu tư và chuẩn bị khởi công xây dựng sân bay, giúp đẩy mạnh phát triển du lịch và rút ngắn thời gian đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng... chỉ còn khoảng 45 phút bằng hàng không, thay vì phải đi bằng đường bộ mất rất nhiều thời gian như hiện nay.
Tính đến hết tháng 9/2014, tỉnh Bình Thuận có 403 dự án du lịch với 149 dự án đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh đón hơn 2,7 triệu lượt khách đến, trong đó khách quốc tế có 282.620 lượt (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013), doanh thu đạt 4.406 tỷ đồng./.